Tài liệu Ba đỉnh cao thơ mới - Chu Văn Sơn
"Thế giới nghệ thuật" phải chăng là một cái mốt thời thượng?
Không hẳn.
Từ lâu nó đã được sử dụng trong tiếp nhận nghệ thuật. Nó được dùng khi con người có nhu cầu diễn đạt ý niệm về cái chỉnh thể bên trong của sáng tác nghệ thuật (một tác phẩm, một loại hình tác phẩm, toàn bộ sáng tác của một tác giả, một vệt thể loại đi xuyên sự nghiệp một tác giả, một trào lưu.). Có nhiều cách quan niệm về Thế giới nghệ thuật của người nghệ sĩ. Thi pháp học xem đó là một thế giới được tạo ra trong nghệ thuật. Nó hoàn toàn khác thế giới thực tại vật chất hay thế giới tâm lí của con người dù nó phản ánh thế giới ấy. Cụ thể, mỗi thế giới nghệ thuật như một mô hình nghệ thuật về thế giới, ứng với một cách quan niệm, một cách cắt nghĩa về thế giới. Thế giới nghệ thuật như thế bao gồm một quan niệm nghệ thuật về con người, một không gian nghệ thuật riêng, một thời gian nghệ thuật riêng, và một hình thức ngôn ngữ tương ứng. Có người quan niệm thế giới nghệ thuật là chỉnh thể bao gồm một quan niệm thẩm mĩ, một hệ thống đề tài được tiếp cận và xử lí theo những khuynh hướng nghệ thuật nào đó. Lại có người cho rằng thế giới nghệ thuật là một chỉnh thể bao gồm hai hệ thống hình tượng chính: hình tượng cái tôi và hình tượng thế giới được biểu hiện trong một hình thức ngôn từ nhất định. Mỗi quan niệm đó đều dựa trên những lí lẽ riêng, chúng khắc phục và làm giàu lẫn nhau.
Tóm tắt nội dung tài liệu: Tài liệu Ba đỉnh cao thơ mới - Chu Văn Sơn
n vía. Không phải ngẫu nhiên mà mặc cảm chia lìa, mặc cảm bơ vơ lại bám riết lấy tâm tư Nguyễn Bính suốt cả đời không chịu buông tha. Nhìn đâu cũng thấy chia lìa: "Con sào đẩy sóng thuyền nan lìa bờ", "Chị thương chị kiếp con chim lìa đàn", "Chán chường như lũ tàn quân lìa thành", "Những cuộc chia lìa khởi tự đây", "Anh em li tán lâu dần thành ra", "Lìa cành theo gió lá luồn qua song", "Sầu nghiêng theo cánh chim lìa tổ"... Nhìn đâu cũng thấy côi cút, đơn chiếc, vô định: "Hồn đơn chẳng có nơi nương tựa", "Hồn đơn quằn quại xác gầy", "Muôn vàn đơn chiếc đổ vào đầu tôi", "Một người đi mấy mươi người nhớ thương", "Ta đi nhưng biết về đâu chứ", "Anh đi đó ! Anh về đâu?", "Nào biết về đâu kẻ ngước xuôi", "Biết lạc về đâu lòng hỡi lòng"... Điều này không thể không có nguyên uỷ sâu xa từ ẩn ức mồ côi của Nguyễn Bính (mới ba tháng đã mất mẹ, rồi cha đi bước nữa, phải ở với người cậu, dù có được bù đắp đến đâu thì bản tính đa cảm của thi sĩ vẫn cứ trầm mình trong mặc cảm côi cút, bơ vơ). Nhưng mặc cảm này, oan trái thay, lại khiến cho hồn thi sĩ cảm nhập được và mang chở được nỗi niềm lỡ dở của cả thời đại ấy. Nghĩa là nỗi côi cút đầy bất hạnh kia bỗng trở thành cái giá oan nghiệt mà Nguyễn Bính phải trả cho cái nghiệp thi sĩ của mình. Hay nói theo giọng khách quan thì nhờ bi kịch cá nhân mà Nguyễn Bính đã cảm thông với bi kịch của thời đại. Vì thế, cái Tôi Nguyễn Bính là nỗi đơn côi vì mất đi điểm tựa thiêng liêng nơi cái Ta. Lìa khỏi cái Ta, cái Tôi ấy dày vò về Mất hơn là tự mãn về Được. Đơn côi trong tình ái. Đơn côi giữa xứ người. Đơn côi giữa đô thị. Đơn côi cả khi đã về tới cố hương. Về bình diện văn hoá, Nguyễn Bính là con đẻ của cuộc hôn nhân đầy lỡ dở giữa nền văn minh đô thị hiện đại với văn minh thôn dã cổ truyền. Khác xa với những cái tôi thuần đô thị, Nguyễn Bính là cái tôi - phản - đô - thị. Lúc nào cũng mang nặng mối "sầu đô thị". Cứ tưởng Nguyễn Bính chỉ là đứa con ra đời từ cuộc hôn phối giữa làn mưa xuân trong lành với giậu mồng tơi dân dã. Nào ngờ lẫn trong làn mưa kia có chút bụi kinh thành. Cái chút bụi mơ hồ đã âm thầm lớn lên thành ý hướng giang hồ. Và chính nó đã xúi giục Nguyễn Bính lên đường dấn thân vào cát bụi với những cuộc giang hồ vặt, khi sa vào bất đắc chí. Sang đò, bước lên bậc bến thứ nhất để vào thế giới đô thị quê người, Nguyễn Bính đã gửi lại bên kia bờ tất cả vườn cam mái gianh, bướm trắng tơ vàng, giàn giầu hàng cau... Nhưng rốt cuộc, Nguyễn Bính lại bắt đầu cuộc tìm kiếm chính những thứ ấy giữa phố xá đô thành mà không tự biết. Hẳn nhiên, làm sao có thể thấy những thứ ấy trong cát bụi chốn này. Con đường kiếm tìm loanh quanh kia tất lại dẫn cái tôi ấy trở về với nơi mình từ giã. Nhưng, một khía cạnh rất đáng nói là: bi kịch của cái tôi kia không có tận cùng. Sinh ra từ cuộc tình đương giữa hồi dang dở giữa Đô thị và Thôn quê như thế, Nguyễn Bính đã cố chạy theo tìm sự cưu mang của từng phía, nhưng cả hai đều chối bỏ, mỗi bên phụ phàng theo một cách riêng. Thoạt đầu ánh sáng kinh thành huyễn hoặc, anh chàng chân quê đã tưởng có thể gửi mình vào đó, tìm thấy trong hứa hẹn của nó những vinh hoa. Nhưng cuối cùng, chỉ là phù hoa: "Phồn hoa thôi hết mộng huy hoàng / Sớm nay sực tỉnh sầu đô thị". Chán chường, chàng tìm lại chốn quê. Nguyễn Bính về quê không phải như Đào Uyên Minh "qui khứ lai từ" bởi quá chán ngán cảnh luồn cúi nơi trường đào mận. Không phải như một nhà nho thành đạt và chán ngán, về quê theo lẽ xuất xử hành tàng, về ở ẩn lánh đời. Mà cái Tôi Nguyễn Bính về quê như một người suốt đời băn khoăn đi kiếm cách sống cho mình, suốt đời tìm kiếm công danh và chỗ đứng trong cái cuộc sống văn minh đô thị. Mà cuối cùng tay trắng vẫn hoàn tay trắng. Công danh dở dang, duyên phận lỡ làng. Cố hương ngỡ bình lặng muôn đời là thế cũng không dung được một kẻ đã ngập hẳn về thôn ổ mà chẳng thể rửa sạch khỏi lòng mối sầu đô thị ăn sâu. Yêu lắm lắm những gì chân mộc của cố hương, nhưng giữa kẻ hồi hương và đất cũ đã có những ngăn cách vô hình không thể vượt qua: Không còn ai ở lại nhà / Hỏi còn ai nữa? để hoa đầy vườn / Trăng đầy ngõ, gió đầy thôn / Anh về quê cũ có buồn không anh?... Một lần lỡ bước sang ngang là đơn côi vĩnh viễn. Nguyễn Bính là cái lỡ dở muôn đời ấy. Nó là một bi kịch không biên giới. Trên bình diện đạo đức đơn thuần, cái tôi Nguyễn Bính là con đẻ từ sự lỡ dở của bổn phận và khát vọng, của chữ hiếu và chữ tình. Thời ấy, chữ tình được viết hoa và tô đậm hẳn lên, chữ hiếu mờ hẳn đi lùi lại sau hàng. Chữ tình muốn chia bào giã từ chữ hiếu, "em ơi em ở lại nhà / vườn dâu em đốn mẹ già em thương... Miếu thiêng vụng kén người thờ / Nhà hương khói lạnh chị nhờ cậy em". Nhưng vừa quay gót đã gục đầu xuống, úp mặt vào hai bàn tay mà nức nở tức tưởi: "úp mặt vào hai bàn tay / Chị tôi khóc suốt một ngày một đêm". Cái Tôi muốn khẳng định mình, nhưng khi từ giã mái nhà sinh trưởng, xa rời vòng tay của cái Ta, nó vừa thấy đơn côi yếu ớt lại vừa thấy mình là kẻ phụ rẫy đáng chê trách. Những bổn phận thiêng liêng ngày trước ràng buộc là thế. Mỗi khi cần chọn lựa, bao giờ nó cũng giành được vị thế độc tôn, tất cả những thứ khác đều phải nhượng bộ hi sinh. Nay khát vọng cá nhân bùng nổ, nó thấy mình là hơn hết thảy. Nó đòi phải được sống đã đầy. Nhưng ở trường hợp Nguyễn Bính, nó dứt áo ra đi chỉ để đạt được sự lỡ làng, còn bản thân nó thì luôn luôn dang dở. Lỡ bước sang ngang, bổn phận đã không tròn, khát vọng cũng chẳng thành. Dang dở vĩnh viễn. Nói ý thức cá nhân ở Nguyễn Bính khác xa với những trường hợp khác là thế. Nó không phải tiếng nói tự tôn, tự kiêu, tự đại một chiều cực đoan. Không phải cái Tôi hiếu thắng khi thoát khỏi cái Ta. Mà nó là cái tôi đầy mặc cảm. Lúc nào nó cũng thấy mình là kẻ tệ bạc với cái Ta đó. Thèm được thoát li khỏi cái Ta cố kết. Nhưng chưa thoát li đã lập tức thấy mình là kẻ sao mà bạc tình. "Mẹ cha thì nhớ thương mình / Mình đi thương nhớ người tình xa xôi". Nhưng mà lại không thể khác. Cho nên mỗi bước đi trên đường đời là một bước ngoái lại thăm thẳm phía sau,"Thầy ơi đừng chặt vườn chè / Mẹ ơi đừng bán cây lê con giồng"... mỗi cuộc đi là một cuộc dày vò đày ải chính mình. Hành trình lìa quê cũng là hành trình của ăn năn, của khắc khoải cố hương. Chưa đi đã thấy ngay là mình vừa đánh mất một cái gì thiêng liêng hệ trọng nhất của đời mình, của cuộc sống này. Tóm lại, cái tôi Nguyễn Bính từ bỏ quê để luôn khắc khoải nhớ quê, tìm vào đô thị để chán chường đô thị, tìm kiếm công danh chỉ gặp dở dang, theo đuổi tình duyên chỉ gặp lỡ làng. Dứt bỏ bổn phận để chạy theo khát vọng: bổn phận không tròn, khát vọng tan vỡ. Cái gì của nó cũng lỡ dở. Cho nên Nguyễn Bính là cái tôi lỡ dở của thời đại ấy. Tôi cho rằng chính Nguyễn Bính, chứ không phải ai khác, mới là nhà Thơ Mới mang đầy đủ tấn bi kịch của thời đại mình. Một tâm trạng bất đắc chí mênh mông dằng dặc. Cái tôi Nguyễn Bính vẽ ra trong thế giới nghệ thuật của mình là một người cả đời cứ lang thang kiếm tìm chính mình. Càng đi, dường như càng lầm lạc, càng đi càng không thấy. Mọi hứa hẹn đều chỉ là ảo ảnh. Công danh, Hạnh phúc đều không thấy? Đều không dành cho mình? Đều không có? Cuối cùng cái tôi ấy hi vọng tìm thấy mình (tìm thấy mình hay tìm lại được mình? có lẽ là cả hai) khi đã về lại nơi mà mình đã từ bỏ một cách vội vàng nông nổi. Nhưng rồi Nguyễn Bính đã không tìm thấy. Không có chỗ nào cho mình. Đô thị không. Thôn quê không. Quê người không. Quê mình cũng không. Lìa đàn cũng có nghĩa là lạc loài. Nguyễn Bính là sự lỡ dở trọn kiếp con chim lìa đàn không chỉ trong cái thời đại lỡ dở đó. 4. Cố hương, cố nhân, cố viên Tôi vẫn cho rằng thế giới nghệ thuật của một thi sĩ lãng mạn, xét đến cùng, là sự đan dệt của ba hệ thống hình tượng cơ bản: Tôi - Người tình - Thế giới. Trong đó đóng vai trò trung tâm và quyết định đến toàn bộ diện mạo của thế giới nghệ thuật ấy phải là hình tượng cái Tôi. Bởi vì, cũng lại xét đến cùng, toàn bộ thế giới nghệ thuật của một nghệ sĩ chính là thế giới tâm tình của nghệ sĩ được tượng hình hoá, hình sắc hoá mà thôi. Hình tượng Người Tình, về thực chất là một đối ảnh của chính cái tôi thi sĩ. Còn thế giới xung quanh bao giờ cũng là thế giới thuộc về cái tôi: hoặc cái tôi ấy đang phổ lòng mình vào thế giới, hoặc cái tôi ấy thấy thế giới xung quanh vận vào mình. Đối với một nam thi sĩ, bộ ba ấy là Tôi - Em - Thế giới. Chúng chẳng qua chỉ là tam diện nhất thể mà thôi. Nói một cách khác, thế giới nghệ thuật của nghệ sĩ là một cõi thống nhất, trong đó bất cứ một hình sắc nào cũng mang khí huyết hồn vía của cái Tôi kia. Thế giới Nguyễn Bính không nằm ngoài qui luật chung đó. Cái Tôi Nguyễn Bính sẽ phổ những lỡ dở của nó vào mọi hình sắc của cõi thơ ấy, mà đồng hoá tất cả thành những vang bóng của cùng một cái tôi, kể cả cố nhân, cố hương và cố viên. Tôi muốn phức tạp hoá một chút xung quanh chữ "cố". Chữ cố đầu tiên với Nguyễn Bính phải là "cố thủ". Phải, thi sĩ của hồn quê đã cố giữ cho được chân quê. Chân quê với hồn thơ Nguyễn Bính tựa như đất mẹ đối với thần Ăngtê vậy. Nó là truyền thống, là giá trị văn hoá, là lẽ sống, là nguồn sống đối với hồn thơ quê. Nó là "của tin còn một chút này", là vật thiêng, là bảo vật của đất quê. Cố giữ với hi vọng nó sẽ thoát khỏi cơn biến thiên. Vật đổi sao dời, tao đoạn qua đi, rồi vẫn sẽ còn chân quê thuần khiết. Nhưng ngay cả lúc "van em em hãy giữ nguyên quê mùa", thi sĩ cũng đã thấy thật khó tin là nó không thay đổi. Trong cơn biến thiên ấy, "cả đến ông giời cũng đổi thay”.... kia mà! Nếu quả có một đức tin bất di bất dịch rằng chân quê bất chấp thời thế, dù có biến thiên thế nào, nó vẫn cứ là một hằng số, thì chắc chắn đã không có Nguyễn Bính. Thơ Nguyễn Bính là tiếng nói của lo âu chứ không phải của đức tin. Nó nghiêng về bồn chồn, phấp phỏng, hoang mang hơn là đinh ninh, xác tín, kiên định. Cơn biến thiên đang làm cho tất cả những gì Nguyễn Bính cố níu giữ trở thành xưa cũ. Nó gỡ khỏi tay, giằng khỏi tay Nguyễn Bính tất cả những gì thân thương nhất ném trả vào dĩ vãng. Vì thế, mới có chữ "cố" thứ hai. Cố là "cũ", là"xưa". Phải, nói đến Nguyễn Bính là phải nói đến "Cố hương", "cố nhân". Mà nằm sâu trong lòng cố hương là "cố viên" (vườn cũ, vườn xưa), và nơi lưu giữ những kỉ niệm từng có với cố nhân cũng là "cố viên". Cố hương, cố nhân và cố viên là những hình bóng da diết nhất trong cái vẫn được gọi bằng chân quê của Nguyễn Bính. * Một trong những nét giúp chúng ta phân biệt rất rõ Nguyễn Bính với các nhà Thơ Mới khác là quan niệm luyến ái. Quan niệm luyến ái của Nguyễn Bính nghiêng về truyền thống: tình yêu gắn liền, thậm chí đồng nhất với hôn nhân. Nhân duyên trong thơ Nguyễn Bính không có chủ trương những cái tình gần gũi, cái tình xa xôi, cái tình trong giây phút, cái tình ngoài thiên thu [4] ... theo điệu sống hiện đại mà những cái tôi thuần đô thị bấy giờ chủ trương và hăng hái. Trái lại, chưa gì đã toan tính chuyện trăm năm. Cứ thích trói buộc nhau vào hôn nhân với những cau trầu "Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông / Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào!". Vì thế mà, phải đận cau héo, giầu vàng thì đôi bên trầm luân trong nước mắt của mặc cảm phụ phàng. Thế giới tình yêu của chàng thôn dân - nho sinh là một thế giới hoà hợp êm đềm dựa trên một luyến ái quan truyền thống. Nhưng cơn biến thiên đã làm cho cái thế giới tình yêu cổ truyền kia bị vỡ vụn. Cái tôi thành một tình nhân lỡ dở. Thế là tất tật mọi thứ đều lỡ dở theo. * Ngoài hình tượng cái tôi, nhân vật của Nguyễn Bính thuộc về hai đối tượng lớn: tình nhân lỡ dở và những thân phận lỡ dở khác. Nghĩa là, thế giới Nguyễn Bính đều là những mảnh đời lỡ dở. Tình nhân lỡ dở có hai dạng: thứ nhất, không có được - do lỡ dở mà giai nhân chẳng thành tình nhân; thứ hai, không giữ được - do một lỡ dở nào dó mà tình nhân đã trở thành cố nhân. Tất cả khiến cho mọi cuộc tình của cái tôi ấy [5] đều dang dở lỡ làng. Này là những giai nhân có tên: nào Oanh (Oanh, Nhớ Oanh), nào Dung (Oan nghiệt), nào Nhi (Hoa và rượu)... Này là những giai nhân không tên: nào cô hái mơ già, người con gái ở lầu hoa, những cô gái miền sông Hương núi Ngự, người hàng xóm, người con gái vườn Thanh... Có những trường hợp do nàng lạnh lùng quá, giấc mộng nhân duyên cứ thế trôi xuôi rồi tuột mất: "Cô hái mơ ơi / Chẳng trả lời nhau lấy một lời / Cứ lặng mà đi rồi khuất bóng / Rừng mơ hiu hắt lá mơ rơi", "Rồi như sông Nhuệ lạnh lùng trôi / Cô lạnh lùng đi chẳng trả lời / Những tiếng lòng chàng tha thiết gọi / ở trên gác vắng lạnh lùng ơi !". Có lúc chính những dẩm dở không đâu đã làm ra dang dở. ấy là cái đám cô nàng nhà lắm bưởi nhiều hoa. Ngày nào cũng cất công "đường gần tôi cứ đi vòng cho xa" rồi, thế mà ma xui quỉ khiến thế nào lại "lên cơn sĩ diện hão", suy bụng ta ra bụng người: "Một hôm thấy cô cười cười / Tôi yêu yêu qúa nhưng hơi mất lòng /Biết đâu rồi chẳng nói chòng: / Làng này khối đứa phải lòng mình đây", thế là lỡ duyên: "Từ ngày cô đi lấy chồng / Gớm sao có một quãng đồng mà xa / Bờ rào cây bưởi không hoa / Qua bên nhà thấy bên nhà vắng teo". Cũng có khi do nàng bèo bọt quá "Nàng bèo bọt quá em lăn lóc","Em đi dệt mộng cùng người / Lẻ loi xuân một góc trời riêng anh", vả chăng, em cũng không phải là không bèo bọt: "Hàng xóm có người con gái lẻ / ý chừng duyên nợ với nhau đây / Chao ôi ba bốn tao ân ái / Đã đủ tan tành một kiếp trai / Tôi rờn rợn lắm giai nhân ạ / Đành phụ nhau thôi kẻo đến ngày / Khăn gói gió đưa sang xứ lạ / Ai cười cho được lúc chia tay". Mà thường khi là do những cách trở xa xôi "Nhớ Oanh tôi nhớ cô Oanh / Xa xôi cách trở hỏi tình thắm phai". Rất nhiều khi là bởi những cách trở không đâu: "Nhà nàng ở cạnh nhà tôi / Cách nhau cái giậu mùng tơi xanh rờn". Có thế thôi mà hai người đành sống giữa cô đơn, và rồi cuối cùng mùng tơi cách trở đã hoá thành âm dương cách trở: "Đêm qua nàng đã chết rồi / Nghẹn ngào tôi khóc qủa tôi yêu nàng". Họ vĩnh viễn chẳng thể thành đôi lứa. Đau đớn tiếc thương thì đà quá muộn. Cũng không ít cuộc họ đã có được nhau, họ đã thề thốt đủ đằng, nhưng rồi những dự cảm mơ hồ về rủi ro, những ám ảnh khôn nguôi về nghèo túng, lo sợ vì đồng tiền làm cho khốn đốn, hay đơn giản chỉ vì những xui khiến tối tăm nào đó... thế là kẻ lỡ duyên, người lỡ thì, đâm ra lỡ cả đôi đường. Giai nhân lỡ dở hoá thành cố nhân: "Xây bao nhiêu mộng thế mà / Đến nay phải gọi người là cố nhân". Không biết do mình lỡ dở nên chỉ toàn chú ý đến những phận lỡ dở - đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu? đồng bệnh tương liên? "cùng một lứa bên trời lận đận"? - hay do những kiếp lỡ dở cứ ám vào mình, mà thế giới nhân vật Nguyễn Bính toàn những mảnh đời lỡ dở. Người mẹ goá này tiễn con đi lấy chồng (Lòng mẹ), người mẹ goá khác đang dằn lòng uỷ thác bầy con dại cho đứa con gái lớn để mình đi bước nữa (Bước đi bước nữa), ông chồng chết non trăng trối người vợ trẻ những lời đắng chát (Giối giăng), cô gái miền rừng van xin người yêu:"Nhà em cách bốn quả đồi / Cách ba ngọn suối cách đôi cánh rừng / Nhà em xa cách quá chừng / Em van anh đấy anh đừng thương em". Cô gái phải cầm lòng từ chối lời ngỏ của người yêu vì gia cảnh nặng nề, "Chưa trọn đạo con, tròn nghĩa chị / Lòng nào dám tưởng đến duyên tơ". Rồi thì cô lái đò, anh lái đò dang dở giấc mộng tình duyên, dở dang giấc mơ quan trạng, dở dang đến mọi toan tính đường đời: "Lang thang anh dạm bán thuyền / Có người giả chín quan tiền lại thôi". Rồi nàng trinh nữ vội lìa đời khi mới chớm xuân xanh, ngang trái tang thương đến nỗi cái tôi ấy tưởng như cả "kinh thành Hà nội chít khăn xô"... Nhưng có lẽ điển hình nhất cho những mảnh đời lỡ dở đó phải là cô gái trong "Mưa xuân" và người chị "Lỡ bước sang ngang" (Nhiều bài khác Nguyễn Bính sẽ gọi đích danh là chị Trúc - Thư gửi chị Trúc, Khăn hồng, Xuân Tha Hương, Xuân lại tha hương, Xuân vẫn tha hương). Một cô bé vừa mới thành thiếu nữ khi những hạt mưa xuân đầu tiên lất phất bay về, lòng phơi phới nhận lời hẹn đầu tiên, vội vàng đến với cuộc hò hẹn đầu đời. Thế mà lỡ: "Chờ mãi anh sang anh chả sang / Thế mà hôm nọ hát bên làng / Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn / Để cả mùa xuân cũng lỡ làng". Thật là sái! Cuộc lỡ dở đầu đời ấy rồi sẽ như cái điềm chẳng lành, cái dớp định mệnh dễ làm dang dở cả những mùa xuân sau. Mình em lầm lụi trên đường về / Nào ngắn gì đâu một dải đê / áo mỏng che đầu mưa nặng hạt / Một mình thêm tủi với canh khuya". Một người chị "đã liều nhắm mắt đưa chân" đến hai lần sang ngang mà lỡ bước vẫn hoàn lỡ bước. Cuộc tình thứ nhất kết thúc bằng: "Mười năm gối hận bên giường / Mười năm nước mắt bữa thường thay canh /Mười năm đưa đám một mình / Đào sâu chôn chặt mối tình đầu tiên / Mười năm lòng lạnh như tiền / Tim đi hết máu cái duyên không về". Thế rồi một chàng nghệ sĩ xuất hiện. Và chị lại quyết định sang ngang. Nhưng rồi tình cũng đoạn: "Rồi đêm kia lệ ròng ròng / Tiễn đưa người ấy sang sông, chị về / Tháng ngày qua cửa buồng the / Chị về nhặt cánh hoa lê cuối mùa", "Thế là tàn một giấc mơ / Thế là cả một bài thơ não nùng"... Những mảnh đời lỡ dở, ngang trái, oan nghiệt cứ châu tuần xung quanh cái tôi ấy. Mỗi bước đi trên đường đời là lại gặp những số phận dang dở lỡ làng. Thế giới thơ Nguyễn Bính chan đầy nước mắt đau thương. Đọc thơ Nguyễn Bính ai cũng phải mủi lòng cám cảnh. Nhìn kĩ có thể thấy họ vừa là nạn nhân của cơn biến thiên trong thời ấy, vừa là nạn nhân của một thứ tiền duyên nghiệp chướng nào đó. Trong những năm được học chữ Hán cùng người cậu, hẳn các môn "nho y lý số", chẳng ít thì nhiều, cũng đã nhập tâm vào cái anh chàng con nhà nho cũ kia. Để rồi lớn lên, cái nhìn lí số cũng nhuốm lên nhỡn quan của Nguyễn Bính, khiến thi sĩ nhìn nhận và lí giải cả mình và những thân phận lỡ dở như là bi kịch trớ trêu của số mệnh: "Trót đà mang số sinh ly / Bao giờ tôi mới được về cố hương?", "Còn tôi giời bắt làm thi sĩ", "Mẹ thì mất sớm giời đày làm thơ", "Ai bảo mắc vào duyên bút mực / Suốt đời mang lấy số long đong"... Tất cả những con người ấy đều bị số phận đày đoạ trong nỗi lận đận bởi chữ tình chữ duyên. "Đoái thương thân chị lỡ làng / Đoái thương phận chị dở dang những ngày", "Mẹ cũng không mong sướng lấy mình / Nhưng mà số phận bắt điêu linh"... Điều này cho thấy bi kịch lỡ dở biểu hiện trong thế giới thi ca Nguyễn Bính dường như vượt ra ngoài vòng thời thế, mà nó là chuyện của nhân thế. Nói cách khác, định mệnh đã chọn cái thời ấy để đày họ vào vòng trầm luân của cơn biến thiên. * Cũng phải thấy thêm rằng, thế giới nhân vật Nguyễn Bính rất gần gũi với những thân phận đau khổ trong văn học dân gian, đặc biệt là bao người phụ nữ tủi phận tủi duyên trong những bài hát than thân. "Thân em như hạt mưa sa / Hạt vào đài các hạt ra ruộng cày", "Em như giếng nước bên đàng / Người khôn rửa mặt người phàm rửa chân", "Thân em như miếng cau khô / Người thanh tham mỏng người thô tham dày","Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc / Em có chồng rồi anh tiếc lắm thay", "...", ...Các môtip dân gian đã từ ca dao dân ca nhập thân vào thơ Nguyễn Bính. Những mảnh đời lỡ dở hôm nay như là sự nối dài tự nghìn xưa. Những số phận nổi chìm, lận đận dang dở về công danh, lỡ làng về tình duyên nghìn đời nay sau những luỹ tre, bên những bến nước, những dòng sông... bao giờ cũng khiến con người xót xa cám cảnh. Vào cuộc biến thiên ấy, có thể họ có thêm những màu sắc mới, nhưng họ vẫn là những chị em ruột rà của những cô gái xưa, từng gửi lòng vào những tiếng hát than thân làm héo hắt những luỹ tre, dang dở những cánh đồng, goá bụa những thân cò thân vạc... Đúng là Nguyễn Bính viết nhiều về những mối duyên quê, nhưng là mối duyên lỡ dở oan trái. Nguồn lệ chảy trong thơ Nguyễn Bính vẫn chảy bao đời trong tiếng hát than thân. Vì tha hương nên mới có cố hương. Cố hương chính là quê hương trong lòng kẻ tha hương. Có lẽ luôn ở trong nỗi khắc khoải của đứa con xa nên hình ảnh quê hương mới thân thương đến thế. Tôi không muốn nói rằng, trong lòng những người tại quê thì quê hương không đẹp. Nhưng đúng là niềm canh cánh, nỗi day dứt, cùng những đau đáu khắc khoải đã choàng lên hình sắc quê kiểng những chất thơ mà người không phải xa quê chẳng thể nào có được. Có thể vì miếng cơm manh áo, vì những xô đẩy trong đời, con người phải rời bỏ quê hương bản quán, phải li hương. Tiếng gọi bức xúc nhất bấy giờ là một tiếng gọi có phần ích kỉ: làm sao để sướng hơn. Nhưng rồi xa quê, con người nhân bản, con người tình n
File đính kèm:
- tai_lieu_ba_dinh_cao_tho_moi_chu_van_son.doc