Ôn tập Ngữ văn Lớp 9 - Nghị luận xã hội - Đề bài: Covid 19

Trí tuệ con người luôn là yếu tố hàng đầu quyết định mọi thành công. Và trong cuộc chiến chống COVID19 đầy cam go và ác liệt này thì sức mạnh của trí tuệ lại đóng vai trò then chốt hơn bao giờ hết. COVID19 là một dịch bệnh về đường hô hấp do chủng mới của virut corona gây ra. Đây là loại virut mới chưa từng được phát hiện trước đó, lây truyền từ người sang người qua giọt dịch hô hấp mà con người ho, hắt hơi hoặc thở ra và gây ra căn bệnh viêm phổi quái ác, suy hô hấp cấp tính.

Được phát hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) vào tháng 11/ 2019, đến nay Covid 19 đã trở thành đại dịch toàn cầu với diễn biến vô cùng phức tạp. Tính đến ngày 4/5/2020, dịch bệnh đã lan ra 211 quốc gia và vùng lãnh thổ, số ca nhiễm bệnh đã vượt ngưỡng 3 triệu người, số ca tử vong đã lên đến hơn 24 vạn người và chưa có dấu hiệu dừng lại. Thực là một con số đáng báo động, gây nên sự hoang mang, lo lắng và sợ hãi trong toàn thể cộng đồng. Tuy nhiên ở Việt Nam chúng ta, tình hình kiểm soát dịch bệnh được đánh giá rất tốt. Tính đến ngày 4/5 , số ca nhiễm là 271 người, hồi phục 219 người và không ghi nhận ca tử vong nào.

 

docx 6 trang linhnguyen 5240
Bạn đang xem tài liệu "Ôn tập Ngữ văn Lớp 9 - Nghị luận xã hội - Đề bài: Covid 19", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Ôn tập Ngữ văn Lớp 9 - Nghị luận xã hội - Đề bài: Covid 19

Ôn tập Ngữ văn Lớp 9 - Nghị luận xã hội - Đề bài: Covid 19
NGHỊ LUẬN XÃ HỘI – COVID 19
1.	COVID19 và sức mạnh trí tuệ của con người Việt Nam
Trí tuệ con người luôn là yếu tố hàng đầu quyết định mọi thành công. Và trong cuộc chiến chống COVID19 đầy cam go và ác liệt này thì sức mạnh của trí tuệ lại đóng vai trò then chốt hơn bao giờ hết. COVID19 là một dịch bệnh về đường hô hấp do chủng mới của virut corona gây ra. Đây là loại virut mới chưa từng được phát hiện trước đó, lây truyền từ người sang người qua giọt dịch hô hấp mà con người ho, hắt hơi hoặc thở ra và gây ra căn bệnh viêm phổi quái ác, suy hô hấp cấp tính.
Được phát hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) vào tháng 11/ 2019, đến nay Covid 19 đã trở thành đại dịch toàn cầu với diễn biến vô cùng phức tạp. Tính đến ngày 4/5/2020, dịch bệnh đã lan ra 211 quốc gia và vùng lãnh thổ, số ca nhiễm bệnh đã vượt ngưỡng 3 triệu người, số ca tử vong đã lên đến hơn 24 vạn người và chưa có dấu hiệu dừng lại. Thực là một con số đáng báo động, gây nên sự hoang mang, lo lắng và sợ hãi trong toàn thể cộng đồng. Tuy nhiên ở Việt Nam chúng ta, tình hình kiểm soát dịch bệnh được đánh giá rất tốt. Tính đến ngày 4/5 , số ca nhiễm là 271 người, hồi phục 219 người và không ghi nhận ca tử vong nào.
Điều kì lạ là Việt Nam có đường biên giới trên đất liền với Trung Quốc tới 1435 km nhưng trong khi cả thế giới chao đảo với dịch COVID19 với những thiệt hại khủng khiếp về người và của thì Việt Nam ta khống chế được dịch bệnh ở mức độ lí tưởng. Để có được thành quả đó không thể không nói tới sức mạnh trí tuệ Việt Nam. Ngay từ khi dịch bệnh mới bùng phát ở Trung Quốc, các nước trên thế giới còn xem thường căn bệnh này thì Trung ương Đảng và chính phủ ta đã có những quyết sách kịp thời và sáng suốt: tiến hành cách li toàn bộ người dân đến từ vùng dịch và có nguy cơ lây nhiễm, cho học sinh nghỉ học, thực hiện giãn cách xã hội, đưa ra chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh,.ổn định tâm lí toàn dân, tạo sức mạnh đoàn kết đồng lòng. Những quyết sách ấy đã chứng tỏ được tài trí phán đoán đúng tình hình và sự quyết đoán để kịp thời đưa ra các chủ trương đúng đắn.
Bộ Y tế trở thành lực lượng xung kích trên tuyến đầu chống dịch. Ngoài việc cứu chữa, chăm lo tận tình cho những người nhiễm bệnh, các y bác sĩ còn đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tìm tòi, đưa ra phát kiến dập tắt dịch bệnh. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên đưa ra bộ kit xét nghiệm nhanh, phác đồ điều trị hoàn thiện và hiệu quả, đóng góp vào nỗ lực chung của thế giới trong phòng chống dịch. Toàn xã hội cũng kịp thời có những phương án học tập và làm việc tại nhà, không để cuộc sống bị trì trệ, khủng hoảng, tranh thủ thời gian trau dồi kiến thức, kĩ năng, quyết không để dịch bệnh gây hậu quả. Tất cả những biểu hiện ấy đều là minh chứng tuyệt vời cho trí tuệ con người Việt Nam. Và rõ ràng, với những thành quả mà Việt Nam đạt được đã đem lại lợi ích thiết thực cho toàn dân, củng cố niềm tin của nhân dân vào bộ máy lãnh đạo và nâng cao vị thế của đất nước Việt Nam trên trường quốc tế, được bạn bè thế giới ngợi ca, cảm phục.
Hiểu được tầm quan trọng và sức mạnh của trí tuệ, bản thân mỗi chúng ta hôm nay cần làm gì để nâng cao trí tuệ cho mình? Tích cực học tập trên tinh thần chủ động, sáng tạo, kiên trì vượt khó, nỗ lực rèn luyện bản thân là cách để chúng ta nâng cao kiến thức, kĩ năng cho mình. Hãy thôi nói những lời yêu nước chung chung trìu tượng mà hãy thực hiện bằng những việc làm cụ thể dựng xây đất nước hôm nay và tương lai đất nước mai này.
2. Vẻ đẹp của những thiên thần áo trắng trong đại dịch covid 19.
a. Giải thích khái niệm Covid 19 :
Covid – 19 là một bệnh dịch do virut corona gây ra. Đây là loại virut mới chưa từng được phát hiện trước đó, lây truyền từ người sang người qua giọt dịch hô hấp mà con người ho, hắt hơi hoặc thở ra và gây ra căn bệnh viêm phổi quái ác, suy hô hấp cấp tính.
b. Nêu hiện trạng:
- Được phát hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) vào tháng 11/ 2019, đến nay Covid 19 đã trở thành đại dịch toàn cầu với diễn biến vô cùng phức tạp. Tính đến ngày 15/4/2019, dịch bệnh đã lan ra 210 quốc gia và vùng lãnh thổ, số ca nhiễm bệnh đã vượt ngưỡng 2 triệu người, số ca tử vong đã lên đến hơn 12 vạn người và chưa có dấu hiệu dừng lại. Thực là một con số đáng báo động, gây nên sự hoang mang, lo lắng và sợ hãi trong toàn thể cộng đồng.
- Tuy nhiên ở Việt Nam chúng ta, tình hình kiểm soát dịch bệnh được đánh giá rất tốt. Tính đến ngày 15/4, số ca nhiễm là 267 người, hồi phục 169 người và không ghi nhận ca tử vong nào.
c. Suy nghĩ về hình ảnh những y bác sĩ đang ngày đêm gồng mình chống dịch.
- Để có được thành quả lớn lao trong công tác phòng chống dịch bệnh như vậy, không thể không nói đến công lao của những chiến sĩ nơi tuyến đầu trận địa – những y bác sĩ, những người vẫn được dân ta gọi bằng cái tên với đầy lòng biết ơn và quý trọng - “những thiên thần áo trắng”.
- Đầu tiên, chúng ta thấy được vai trò của các bác sĩ trong công tác đẩy lùi dịch bệnh, giành lấy sự sống cho con người. Khi dịch bệnh có dấu hiệu bùng phát mạnh ở Trung Quốc thì tại Việt Nam, các y bác sĩ dưới sự lãnh đạo của Chính phủ đã tìm hiểu, chuẩn bị về mọi mặt để sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh. Ngay khi xác nhận hai ca nhiễm đầu tiên vào tối 23/1, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. HCM) đã ngay lập tức đưa bệnh nhân vào cách ly, ngăn chặn nguồn lây ra cộng đồng. Từ ngày 21/1 đến 12/3 dịch bệnh bị khống chế, 16 ca nhiễm và được chữa khỏi hoàn toàn, trong đó có cả em bé 3 tháng tuổi. Kết quả ấy chính là sự phản ánh nỗ lực hết mình của các y bác sĩ.
- Trong cuộc chiến với kẻ thù vô hình ấy, các y bác sĩ đã không quản ngại hi sinh để hoàn thành nhiệm vụ. Họ không sợ hãi trước dịch bệnh, trước lưỡi hái tử thần, mạnh mẽ đứng vững trên tuyến đầu cuộc chiến. Những gương mặt trắng bệch, hằn vết lằn khẩu trang; những mái tóc bù xù ; những đôi mắt trũng sâu, những cái gục đầu ngủ tạm trên ghế, trên bàn làm việc,  của các y bác sĩ thực sự khiến ta cảm thấy xót xa. Có biết bao người đã làm bố làm mẹ, trên vai họ là cha mẹ già, con thơ dại nhưng họ đành nén lại nỗi nhớ nhà, nhớ con để túc trực nhiều tháng giòng trong khu cách li, trong các bệnh viện. Có biết bao bác sĩ già đã về hưu nhưng vẫn làm đơn xin được ra “tuyến đầu” chung sức chống dịch,Tất cả những hi sinh ấy thật khiến ta ngưỡng mộ, tự hào.
d. Bài học
Bản thân mỗi chúng ta cần phải làm gì để những hi sinh ấy không trở thành vô nghĩa? Bằng khả năng của chính mình, hãy bằng những hành động và việc làm thiết thực để chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Chỉ cần mỗi cá nhân biết tuân thủ mọi chỉ thị của Đảng, nhà nước, mọi khuyến cáo của Bộ y tế; biết đặt lợi ích của cả cộng đồng lên trên những suy nghĩ ích kỉ của cá nhân thì chắc chắn sẽ sớm khống chế dịch bệnh. Và một ngày không xa, chúng ta cùng thế giới lại được vui trong niềm vui chiến thắng vẹn tròn.
3. Lợi dụng dịch bệnh để bán tăng giá hoặc bán sản phẩm kém chất lượng.
Tham khảo (ST)
Trong lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, người dân được Bộ Y Tế khuyến cáo nên đeo khẩu trang khi ra đường và rửa tay thường xuyên sẽ làm giảm nguy cơ nhiễm bệnh. Được coi là nhu cầu thiết yếu, khẩu trang và nước sát khuẩn nhanh chóng trở nên khan hiếm, hết hàng. Lợi dụng việc này nhiều người đã trục lợi về cho bản thân, tổ chức bằng việc tăng giá bán khẩu trang, nước sát khuẩn lên nhiều lần. Đó là hành động cần lên án, cần được chấm dứt, bởi nó đang làm cho hình ảnh con người, truyền thống tương thân tương ái của dân tộc ta từ bao đời nay trở nên xấu đi. Hơn nữa nó ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe đến những người tiêu dùng bởi nếu họ sử dụng những loại khẩu trang, dung dịch sát khuẩn kém chất lượng làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh và nhiều hệ lụy kéo theo. Tất cả có lẽ chỉ vì “Lợi nhuận”, “Đồng tiền” mà ai đó đã bất chấp tất cả, bất chấp làm tổn hại đến sức khỏe của người khác. Để chấm dứt việc này, trước hết mỗi cá nhân cần nhận thức đúng về việc sử dụng các nhu yếu phẩm cần thiết, tránh gây lãng phí và biết san sẻ với cộng đồng, để không xuất hiện việc xếp hàng, chen lấn làm giảm cơ hội trục lợi từ người khác. Đồng thời về phía cơ quan chức năng cần mạnh tay, xử lí dứt khoát các trường hợp để những người có ý định cần phải bỏ ngay. Vì một Việt Nam nói không với dịch bệnh, nói không với tăng giá, làm giả chúng ta cần chung tay đẩy lùi bằng sức mạnh của đoàn kết.
	4. Thái độ kì thị người đến từ vùng dịch
Tham khảo (ST)
	Kỳ thị là cụm từ chẳng xa lạ với chúng ta, qua đài báo ta được nghe về kỳ thị màu da, kỳ thị HIV... Giờ đây, trong tình hình bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ta nghe đâu đó những câu chuyện về kỳ thị những người trở về từ vùng dịch hay tiếp xúc với người bị bệnh. Một thực trạng đáng buồn và cần lên án xóa bỏ. Kỳ thị là xa lánh, là định kiến không tốt về cá nhân, tập thể hay hành vi nào đó. Có kỳ thị khi sự ích kỷ lên ngôi, sự thiếu hiểu biết của bản thân bộc lộ rõ nhất. Tổn thương nhiều nhất vẫn là những người bị kỳ thị. Họ không dám đối mặt với bệnh, không dám đối mặt với sự thật vậy sẽ là nguyên nhân virus bùng phát mạnh hơn. Họ chịu nhiều sức ép của định kiến tác động mạnh vào tâm lý dẫn đến nhiều hậu quả khó lường. Với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh cần xử phạt nặng những hành vi kỳ thị người từ vùng dịch hay người tiếp xúc với người bệnh. Chúng ta cần nhận thức đúng, hiểu rõ vấn đề và chung tay đoàn kết chống dịch như chống giặc. Hơn thế nữa, chúng cần cần đặt niềm tin vào chính phủ, các cơ quan chức năng và Bộ y tế bởi chỉ như vậy nước ta mới nhanh chóng đẩy lùi được dịch bệnh, xóa bỏ định kiến và sự kỳ thị của xã hội.
5. 	Vấn nạn tin giả
(ST)
	Cùng với tốc độ lây lan nhanh chóng của dịch Covid-19, tình trạng thông tin thất thiệt xung quanh dịch bệnh này cũng được lan truyền một cách rộng rãi trên mạng xã hội. Hành vi trên góp phần làm gia tăng tâm lý sợ hãi, hoang mang cho người dân, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội. Từ những thần dược cho đến những thuyết âm mưu, các tin giả về virus vùng dịch bệnh là một phương tiện để kiếm tiền, hoặc gây hoang mang dư luận. Trên mạng xã hội các dòng tin tức thật giả lẫn lộn về sự nguy hiểm của virus Corona hay số người chết về dịch bệnh khiến cộng đồng thêm phần hoang mang, sợ hãi. Lại có người vì lo lắng quá đà mà nảy sinh tâm lý, lương thực, thực phẩm sẽ nhanh chóng cạn kiệt nên phải mua để tích trữ sẵn. Có người lợi dụng sự nhẹ dạ của nhiều người đã đưa tin giả, nhằm câu like, view để họ bán được mặt hàng nào đó. Họ chọn cách tung ra những thông tin sai, chưa kiểm chứng để gây hoang mang trong xã hội. Vì thế các đơn vị có liên quan phải có chế tài xử phạt các trường hợp tung tin giả và tạo ra tin giả. Rõ ràng, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng để bảo vệ sức khỏe người dân, chúng ta cần có sự chung sức, đồng lòng của toàn xã hội, thực hiện tốt các chỉ đạo, khuyến cáo trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
	6. Trách nhiệm của mỗi công dân trong đại dịch Covid-19 (ST)
	Từ xa xưa, dịch bệnh không phải là điều hiếm gặp, và nó đã từng xuất hiện thường xuyên trong lịch sử con người. Ta có thể kể tên những đại dịch khiến cả thế giới đều e ngại như bệnh dịch hạch, Ebola, SARS, .. và đến cuối năm 2019, ta một lần nữa chứng kiến đại dịch của thế giới: Covid-19. Đó là một loại virus được xuất hiện đầu tiên ở Vũ Hán, Trung Quốc, gây là bệnh viêm đường hô hấp cấp ở con người. Đại dịch lây lan một cách nhanh chóng, tính đến đầu tháng 4/2020, Covid-19 đã xuất hiện ở 206 quốc gia, hơn 1 triệu người nhiễm bệnh, gần 60.000 ca tử vong. Thật đáng mừng rằng, Việt Nam ta đã thực hiện vô cùng tốt trong công tác phòng chống dịch, mọi thứ đều được thực hiện theo quy định, kiểm soát tình hình dịch bệnh trong cả nước được nâng lên mức cao nhất. Vậy trách nhiệm của mỗi công dân khi dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp là gì? Đầu tiên, ta cần phải tự ý thức được trách nhiệm góp phần chung tay vào phòng chống dịch bệnh. Khi thấy bản thân có những dấu hiệu như sốt, ho, khó thở,... hay có tiếp xúc gần với các ca lây nhiễm được công bố thì phải lập tức thông báo tới cơ sở y tế để kiểm tra, và tiến hành cách ly an toàn. Mỗi người đều phải trang bị đầy đủ khẩu trang, nước rửa tay khô mỗi khi ra đường, rửa thường xuyên với dung dịch khử trùng mỗi khi tiếp xúc mới bề mặt cứng ở ngoài. Không nên tụ tập đông người, vứt khẩu trang đúng nơi quy định. Đặc biệt, chúng ta cần tuyên truyền, chia sẻ những thông tin chính thống từ Chính phủ, Bộ Y tế cho người thân, bạn bè để cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh. Tất nhiên, vẫn còn tồn đọng những cá nhân thiếu ý thức, ích kỷ và không tôn trọng sức khỏe của bản thân cũng như của cả cộng đồng, việc này nhất định phải lên án, phê bình. Nếu mỗi công dân đều chung tay, đồng lòng, quyết tâm thì việc chiến thắng đại dịch Covid-19 là điều chắc chắn!
	8. Tinh thần tự học trong thời gian nghỉ vì dịch COVID19
(ST)
 	Hiện nay, đại dịch Covid-19 diễn biến ngày một phức tạp, nó khiến nền kinh tế trì trệ, cuộc sống con người hoàn toàn xáo trộn và luôn ở trạng thái lo ngại, ... và cùng với đó chính là việc học sinh - sinh viên không thể tới trường. Một trong những điều đáng lo ngại nhất khi tình hình dịch bệnh không biết bao giờ mới ổn định. Có người cho rằng, việc học sinh - sinh viên nghỉ dài có thể gây ra những lỗ hổng kiến thức nhưng phần lớn phụ huynh đều đồng ý vì lo ngại sức khỏe của con em mình và cộng đồng. Nói chung, việc cho học sinh - sinh viên nghỉ học là điều tất yếu và thực sự cần thiết, nhưng ta càng phải chú ý hơn về ý thức tự học. Nếu bạn muốn đảm đảm rằng kiến thức của mình không có lỗ hổng đáng tiếc thì việc đó hoàn toàn tùy thuộc vào ý thức tự học của chính bạn. Dù cho bạn có được đến trường nhưng lại sự lười nhác, lơ đễnh, mải mê với những trò vui thì chắc chắn kết quả học tập chẳng thể khả quan được. Bạn hãy coi đây là "thời cơ tốt nhất" để bản thân tự ôn luyện lại kiến thức đã được hỏng, tự rèn luyện đề bù đắp những lỗ hổng đã có hoặc nâng cao khả năng với các dạng bài, dạng đề thi khác nhau. Thực tế mà nói, các Sở giáo dục và đào tạo đều triển khai các chương trình học trên sóng truyền hình, thầy cô tạo bài giảng online, bạn toàn có thể học tập tại nhà. Tự học thật tốt chính là một biện pháp đóng góp vào công tác phòng chống dịch Covid-19, giúp giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Vậy nên, hãy tranh thủ thời gian để tự học, tự rèn luyện, cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh bạn nhé!

File đính kèm:

  • docxon_tap_ngu_van_lop_9_nghi_luan_xa_hoi_de_bai_covid_19.docx