Giáo án dạy thêm môn Ngữ văn Lớp 9 - Văn bản "Sang thu"

C1:Mùa hạ đi, mùa thu đến mang theo những cảm xúc bất chợt để lại trong lòng người những bồi hồi, xao xuyến về một mùa thu nồng nàn, êm ái. Ngày hạ đi để nhường chỗ cho nàng thu dịu dàng bước tới, sự chuyển mình giữa hai mùa thật nhẹ nhàng và ngập ngừng như lưu luyến, vấn vương một cái gì đó của thời đã qua. Khoảnh khắc ấy thật đẹp, nhưng không phải ai cũng dễ dàng nhận thấy. Riêng nhà thơ Hữu Thỉnh thì khác, ông đã có một cái nhìn thật tinh tường, một cảm nhận thật sắc nét và một cách sống hòa hợp với thiên nhiên nên mới có thể vẽ lại bức tranh in dấu sự chuyển mình của đất trời qua bài thơ “Sang Thu” . Linh hồn của cả bài thơ chỉ vẻn vẹn trong hai từ thế thôi, song ý nghĩa sâu sắc chất chứa trong hai từ ngắn ngủi ấy lại không hề ít.

C2:Mùa thu bước vào thơ ca thật tự nhiên, gần gũi – trở thành một thi đề quen thuộc. Các bài thơ viết về đề tài này đều để lại trong lòng người đọc những ấn tượng khó phai. Nói đến mùa thu, ta không thể không nhắc tới chùm thơ ba bài “Thu điếu”, “Thu vịnh”,”Thu ẩm” của cụ Tam Nguyên Yên Đổ - Nguyễn Khuyến; không thể không xao xuyến với “Tiếng thu” của Lưu Trọng Lư, “Đây mùa xuân tới” của Xuân Diệu, Là nhà thơ viết hay, viết nhiều về mùa thu với những cảm xúc bâng khuâng, vương vấn trước đất trời trong trẻo đang chuyển biến nhẹ nhàng, Hữu Thỉnh cũng góp vào đề tài mùa thu một bài thơ “Sang thu” tinh tế mà sâu sắc. Để lại nhiều ấn tượng nhất trong lòng người đọc về bài thơ là bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp rất thực, rất riêng được vẽ bằng tâm hồn nhạy cảm một tình yêu thiên, yêu cuộc sống

 

docx 10 trang linhnguyen 17/10/2022 3640
Bạn đang xem tài liệu "Giáo án dạy thêm môn Ngữ văn Lớp 9 - Văn bản "Sang thu"", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Giáo án dạy thêm môn Ngữ văn Lớp 9 - Văn bản "Sang thu"

Giáo án dạy thêm môn Ngữ văn Lớp 9 - Văn bản "Sang thu"
 SANG THU 
– Hữu Thỉnh - 
C1:Mùa hạ đi, mùa thu đến mang theo những cảm xúc bất chợt để lại trong lòng người những bồi hồi, xao xuyến về một mùa thu nồng nàn, êm ái. Ngày hạ đi để nhường chỗ cho nàng thu dịu dàng bước tới, sự chuyển mình giữa hai mùa thật nhẹ nhàng và ngập ngừng như lưu luyến, vấn vương một cái gì đó của thời đã qua. Khoảnh khắc ấy thật đẹp, nhưng không phải ai cũng dễ dàng nhận thấy. Riêng nhà thơ Hữu Thỉnh thì khác, ông đã có một cái nhìn thật tinh tường, một cảm nhận thật sắc nét và một cách sống hòa hợp với thiên nhiên nên mới có thể vẽ lại bức tranh in dấu sự chuyển mình của đất trời qua bài thơ “Sang Thu” . Linh hồn của cả bài thơ chỉ vẻn vẹn trong hai từ thế thôi, song ý nghĩa sâu sắc chất chứa trong hai từ ngắn ngủi ấy lại không hề ít.
C2:Mùa thu bước vào thơ ca thật tự nhiên, gần gũi – trở thành một thi đề quen thuộc. Các bài thơ viết về đề tài này đều để lại trong lòng người đọc những ấn tượng khó phai. Nói đến mùa thu, ta không thể không nhắc tới chùm thơ ba bài “Thu điếu”, “Thu vịnh”,”Thu ẩm” của cụ Tam Nguyên Yên Đổ - Nguyễn Khuyến; không thể không xao xuyến với “Tiếng thu” của Lưu Trọng Lư, “Đây mùa xuân tới” của Xuân Diệu, Là nhà thơ viết hay, viết nhiều về mùa thu với những cảm xúc bâng khuâng, vương vấn trước đất trời trong trẻo đang chuyển biến nhẹ nhàng, Hữu Thỉnh cũng góp vào đề tài mùa thu một bài thơ “Sang thu” tinh tế mà sâu sắc. Để lại nhiều ấn tượng nhất trong lòng người đọc về bài thơ là bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp rất thực, rất riêng được vẽ bằng tâm hồn nhạy cảm một tình yêu thiên, yêu cuộc sống:
I.TÌM HIỂU CHUNG
1.Tác giả
Hữu Thỉnh tên đầy đủ là Nguyễn Hữu Thỉnh, sinh năm 1942, quê ở huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc.
Năm 1963, Hữu Thỉnh nhập ngũ, vào binh chủng Tăng Thiết Giáp rồi trở thành cán bộ văn hoá tuyên huấn trong quân đội và bắt đầu sáng tác thơ. Ông đã tham gia Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam các khoá III, IV, V. Từ năm 2004, Hữu Thỉnh là Tổng thư ký Hội nhà văn Việt Nam.
Thơ Hữu Thỉnh thiết tha, sâu lắng, giàu suy tưởng, gọi dậy tâm tình của thảo mộc, tìm cách giao cảm với hồn quê hồn đất, hướng về những gì thiết thân gắn bó nhất, nhưng ngàn đời vẫn linh thiêng... Dù viết về chiến tranh hay tình yêu, tâm trạng con người hay non sông mây gió, thơ Hữu Thỉnh thấm đẫm sắc vị dân gian, cảm hứng hồn nhiên, dân dã.
Một số tập thơ nổi tiếng của ông: Từ chiến hào tới thành phố, Thư mùa đông, Trường ca biển. 
Trong đó có 1 số bài thơ nổi tiếng nhiều người biết và được phổ nhạc rất hay “Trên một chiếc xe tăng”, “Biển nỗi nhớ và em”
2. Tác phẩm
a. Hoàn cảnh sáng tác – xuất xứ 
Hoàn cảnh sáng tác : Mùa thu năm 1977, đất nước đã mới thống nhất, thiên nhiên bắt đầu sang thu.
Nhà thơ trầm ngâm kể về thời khắc ông đặt bút viết bài thơ. Năm 1977, ông tham gia trại viết văn quân đội ở một làng ngoại ô Hà Nội (nay là Khương Hạ, Thanh Xuân, Hà Nội). Đất nước ta lúc này vừa trải qua chiến tranh, cuộc sống thanh bình đã trở lại. Trong cái mơ hồ phảng phất gió thu và lá thu đang ngả màu, nhà thơ đã trèo lên cây ổi chín vàng trong cả một vườn ổi bạt ngàn ở nơi này. Không có gì đặc hơn, sánh hơn cái màu, cái mùi ổi chín vàng nhuốm trong cái nắng vàng của mùa Thu.. Không gian cao vút, sâu thăm, yên tĩnh.Bài thơ bật lên từ đó, ngay khi nhà thơ còn ngồi trên cây ổi, những vần thơ được “được làm trong đầu” chứ chưa đụng chạm gì đến giấy bút. “Bài thơ hình thành rất nhanh và chính tôi cũng lấy rất làm tâm đắc nên thuộc lòng rồi “nhâm nhi” đọc suốt buổi không chán...”.
Xuất xứ : Trích trong tập thơ “Từ chiến hào đến thành phố”, xuất bản năm 1991.
c.Thể thơ: 5 chữ
d.Phương thức biểu đạt: Biểu cảm kết hợp với miêu tả
e.Mạch cảm xúc
“Sang thu” là 1 bức thông điệp lúc giao mùa: mùa hạ dần qua, mùa thu tới, khoảnh khắc ấy được diễn tả bằng sự rung cảm tinh tế, sự trải nghiệm sâu sắc của nhà thơ. Mạch cảm xúc xuyên suốt với 2 nội dung nổi bật: cảm nhận về thiên nhiên lúc sang thu và suy ngẫm về đời người khi chớm thu.
Mạch cảm xúc của bài thơ bắt đầu bằng tâm trạng ngỡ ngàng, bất ngờ của tác giả khi thu sang, tiếp đến là sự say sưa, ngây ngất của tác giả trước những biến chuyển nhẹ nhàng của cảnh vật và cuối cùng tác giả trầm ngâm, suy tư về đời người, đất nước sang thu.
g.Đề tài 
Sang thu- ngay từ nhan đề tự nó đã xác định 1 thời điểm để miêu tả và bộc lộ cảm xúc: thời điểm giao mùa. Đó không phải là chính thu khi bầu trời xanh ngắt, lơ lửng mấy từng cao, không phải là cuối thu khi nắng đã nhuộm đỏ lá bàng, hay khi cái rét đã luồn vào trong gió. Sang thu nghĩa là chỉ mới chớm thu thôi, cái tứ kết buộc hệ thống hình ảnh trong bài cũng chỉ gói gọn trong một chút “chớm” mong manh ấy. Đó là cái chớm thu quen thuộc ở đồng bằng Bắc Bộ.
h. Bố cục: 3 phần
Khổ 1: Cảm nhận về sự thay đổi của cảnh vật lúc thu sang ở không gian thấp và gần
Khổ 1: Cảm nhận về sự thay đổi của cảnh vật lúc thu sang ở không gian cao, xa, dài, rộng
Khổ 1: Cảm nhận về sự thay đổi của cảnh vật lúc thu sang bằng suy ngẫm.
Nhan đề
Gợi khoảnh khắc giang mùa
Khoảnh khắc chuyển giao giữa tuổi trẻ sang độ tuổi trưởng thành, chín chắn, vững vàng
II.TÌM HIỂU CHI TIẾT 
1.Khổ 1: Cảm nhận về sự chuyển biến của cảnh vật lúc thu sang ở không gian thấp và gần.
a.Cảnh thu
Mùa thu của Hữu Thỉnh được mở ra không phải với sắc vàng tươi của hoa cúc (Mùa thu vàng hoa cúc – Thơ tình cuối mùa thu – Xuân Quỳnh), không phải với vị thơm ngon của hương cốm mới (Sáng mát trong như sáng năm xưa, Gió thổi mùa thu hương cốm mới – Đất nước – Nguyễn Đình Thi), cũng không phải với hương hoa sữa nồng nàn (Hoa sữa – Hồng Đăng) mà là với hương ổi thơm, giòn, ngọt như đang sánh quyện lại, phả vào trong gió se 
“Gió se” là gió đầu thu se sắt, chớm lạnh, hơi khô, làn gió từ lâu đã được coi là hồn thu của Bắc Bộ. “Bỗng nhận ra hương ổi/Phả vào trong gió se”
Ở đây, động từ “phả” cho thấy hương ổi như đang ở độ đậm nhất, thơm nồng nàn, quyến rũ tỏa vào, hoà vào trong gió heo may lan ra khắp không gian.
Giải thích về việc lựa chọn hương ổi, nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết : “Mùa thu biểu hiện rất nhiều hình ảnh khi chuyển mùa. Và tất cả những hình ảnh đẹp cũng đã được các nhà thơ cổ khai thác hết cả rồi. Tôi không muốn lặp lại nữa nên giữa trời đất mênh mang, giữa cái khoảng khắc giao mùa kỳ lạ thì điều khiến cho tâm hồn tôi phải lay động, phải giật mình để nhận ra đó lại chính là hương ổi.... Hương ổi tự nó xộc thẳng vào những miền thơ ấu thân thiết trong tâm hồn chúng ta. Mùi hương đơn sơ ấy lại trở thành quý giá vì nó đã trở thành chiếc chìa khóa vàng mở thẳng vào tâm hồn mỗi người, có khi là cả một thế hệ...”. Phải chăng cũng vì cái hương ổi rất riêng ấy mà bài thơ đã đánh thức miền xa thẳm trong tâm hồn mỗi người yêu thu khẳng định giá trị của “Sang thu” ? 
Cùng với hương và gió thì dấu hiệu của sự chuyển mùa còn được thể hiện qua làn sương : “Sương chùng chình qua ngõ”. Sương thu ở đây không lạnh, không dày đặc như trong « Cảm thu tiễn thu » của Tản Đà: “Từ vào thu đến nay, Gió thu hiu hắt/ Sương thu lạnh/ Trăng thu bạch/ Khói thu xây thành” mà mờ ảo nhẹ nhàng lan tỏa khắp nơi. Ở câu thơ này, tác giả đã sử dụng phép nhân hóa và từ láy “chùng chình” làm cho làn sương vốn vô tri bỗng trở nên có hồn.
Nó gợi tả làm sương mờ, mỏng, nhẹ nhàng lan tỏa trong vườn thôn ngõ xóm. 
Đồng thời nó còn gợi cảm giác làn sương ấy như đang chần chừ, nấn ná, do dự chưa muốn bay đi. Phải chăng, nó như cố ý chậm lại chờ hạ đi hẳn rồi mới “qua ngõ”?.
Bằng một loạt từ ngữ giàu hình ảnh, tác giả đã khắc họa sinh động khoảnh khắc giao mùa.
b.Tình thu
Thời điểm chớm thu không chỉ hiển hiện ở những dấu hiệu mơ hồ trong những trạng thái biến chuyển của cảnh vật mà còn biểu hiện ở cả lòng người. Bởi mùa thu vốn là mùa nhạy cảm bậc nhất trong năm. Con người cùng tạo vật thảy đều nhạy cảm. Tuy nhiên, cái thời điểm mà sự nhạy cảm của hồn tạo vật luôn thách thức với sự nhạy cảm của hồn người vẫn là thời khắc giao mùa - chớm thu. Các kênh cảm giác và cả tâm cảm của Hữu Thỉnh ở ngay khổ thơ đầu này dường như được huy động tối đa để nắm bắt những làn sóng, những tín hiệu mơ hồ nhất từ những giao chuyển âm thầm trong vạn vật. Tác giả đã mở căng mọi giác quan để đón nhận thiên nhiên (khứu giác-hương ổi, xúc giác-gió se, thị giác-sương. )
Bên cạnh đó, một loạt các từ “bỗng”, “phả”, “hình như” được tác giả sử dụng rất hiệu quả để biểu đạt lòng người. 
“Bỗng”
Tác giả không dùng từ « đã » mà lại dùng từ « bỗng »  bởi « đã » là sự việc, hiện tượng đã xảy ra, đã hoàn tất, không cho thấy được sự bất ngờ, ngỡ ngàng.
Còn từ « bỗng » là hành động, quá trình xảy ra một cách tự nhiên, bất ngờ, không lường trước được. 
Việc sử dụng từ « bỗng » trong câu thơ « Bỗng nhận ra hương ổi » đã thể hiện được tâm trạng ngỡ ngàng, cảm xúc bâng khuâng của tác giả trước thoáng đi bất chợt của mùa thu. 
Nhà thơ như giật mình, thảng thốt, bối rối khi bất ngờ nhận ra cái làn hương ngây ngất, ngọt ngào của trái ổi đầu mùa. 
 Từ “phả” được dùng trong câu thơ thứ hai thật độc đáo biết chừng nào! “Phả” là một động tác mạnh gợi một cái gì đó đột ngột. Nó diễn tả được tốc độ của gió, vừa góp phần thể hiện sự bất chợt trong cảm nhận: hương ổi có sẵn mà chẳng ai nhận ra, thế mà Hữu Thỉnh đã bất chợt nhận ra và xao xuyến trước cái hương đồng gió nội ấy.
Còn “hình như” là thành phần biệt lập tình thái có mức độ tin cậy thấp. Với việc sử dụng thành phần biệt lập này, tác giả đã cho thấy được thu đến quá đột ngột nên hình như trong ông còn có chút gì chưa rõ, chưa chắc chắn trong cảm nhận. Phải chăng vì đó là những cảm nhận nhẹ nhàng, thoáng qua hay là vì thu đến quá đột ngột mà tác giả chưa nhận ra
Đặc biệt, với “Sương chùng chình qua ngõ” ta còn thấy lời thơ thấp thoáng cảm xúc bịn rịn, lưu luyến của chính Hữu Thỉnh lúc thu sang.
Khổ thơ ngắn mà đã để lại cho ta biết bao rung động. Ta như cảm thấy một hồn quê, một tình quê đi về trong câu chữ làm lòng ta ấm áp . Vì thế, những hình ảnh thơ cứ vương vấn mãi trong hồn người, có một cái gì thật êm, thật dịu toát lên làm ta thấy lòng thanh thản mà lại nôn nao nhớ đến những miền quê xa vắng. 
Qua đây, ta thấy Hữu Thỉnh phải là người có tâm hồn nhạy cảm lắm, tinh tế lắm, yêu thiên nhiên, yêu hương thu với tình yêu tha thiết lắm thì ông mới có thể viết nên những vần thơ hay lay động lòng người đến như thế!
2.Khổ 2: Cảm nhận về sự chuyển biến của đất trời khi thu sang trong không gian dài, rộng, cao, xa.
a.Hai câu đầu: Sau phút ngỡ ngàng, bâng khuâng, nhà thơ định thần lại say sưa cảm nhận sự chuyển biến của không gian cảnh vật lúc thu sang ở tầm xa hơn, cao hơn với những nét hữu hình, cụ thể, từ mặt đất hướng lên bầu trời: “Sông được lúc dềnh dàng/Chim bắt đầu vội vã”.
Ở đây, nghệ thuật đối :sông – dềnh dàng, chim – vội vã được sử dụng tự nhiên khắc họa được sự chuyển động trái chiều của cảnh nhưng rất đặc trưng cho mùa thu. 
Bên cạnh đó, tác giả còn sử dụng nghệ thuật nhân hóa và từ láy gợi hình làm cho thiên nhiên vô tri trở nên có hồn: „Sông được lúc dềnh dàng/Chim bắt đầu vội vã”. 
Nhờ thế mà chúng ta có thể hình dung dòng sông khi sang thu không còn cuồn cuộn, gấp gáp như mùa hè mưa lũ mà chậm chạp, thong thả trôi. Hình như nó đang lắng lại, suy tư. 
Đối lập với cảnh ấy là chim “bắt đầu vội vã”. Để làm gì? Để tìm ăn những quả chín ngọt ngào, quyến rũ đầu thu? Hay bắt đầu cho một mùa sinh sôi, làm tổ mới. Hoặc vội vã cho một cuộc di trú về phương Nam, tránh cái rét lạnh của miền Bắc đã bắt đầu. Tất cả đều có thể. Điều đáng nói là nó chỉ mới „bắt đầu” thôi chứ chưa phải „đã vội vã”, chứng tỏ thu mới chớm sang chứ chưa sang hẳn. Phải tinh tế lắm, yêu và gần gũi với thiên nhiên lắm mới nhận ra được sự bắt đầu trong những cánh chim bay!
b.Hai câu sau: Thu đang ở cửa ngõ của mùa, vì thế mà : „Có đám mây mùa hạ/ Vắt nửa mình sang thu”
Tả mùa thu, nhà thơ không tả sắc xanh biếc của da trời như Nguyễn Khuyến « Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt » mà chỉ chú ý đến một chút mây còn vương vấn không khí mùa hè. Mây mùa hạ. Mây thì ai cũng thấy và cũng biết . Nhưng " mây mùa hạ" thì chỉ có thi nhân mới " nhìn thấy và cảm thấy". 
Câu thơ thật hay, thật khéo, và cũng thật tài hoa nhờ nghệ thuật nhân hóa : mây – vắt nửa mình sang thu ->gợi hình dung đến đám mây mềm mại, yểu điệu vắt ngang trên bầu trời, một nửa còn đang ở mùa hạ, còn nửa kia thì lại nằm ở mùa thu. Cái cách “vắt nửa mình” kia sao mà thi vị ! Có thật chăng một đám mây vốn của mùa hè đang mải mê lấn sân sang mùa thu ? Có mà không có, thật mà không thật. Cứ y như giữa mùa thu và mùa hè vẫn có một lằn ranh làm bằng sợi dây vô hình giăng ra giữa thinh không, khiến đám mây yêu kiều và đỏng đảnh kia có thể vắt nửa mình qua đó mà khoe sắc phô duyên vậy !
Đây là một liên tưởng thú vị, một hình ảnh đầy chất thơ bởi người ta thường nói: khăn vắt vai, con đường mòn vắt ngang sườn núi còn Hữu Thỉnh lại điểm vào bức tranh thu của mình một hình ảnh mới mẻ, gợi cảm: hai nửa của một đám mây thuộc về hai mùa. 
Chao ôi, chỉ một áng mây bâng khuâng thôi mà ta có thể thấy được cả cả bầu trời đang nhuộm sắc thu. Hình ảnh thơ cho thấy cái tài và sự tinh tế của Hữu Thỉnh: Ông miêu tả không gian để vẽ ra bước chuyển của thời gian, biến cái vô hình trừu tượng trở nên hữu hình, cụ thể.
Tất cả cho thấy sự đổi thay của tạo vật nhẹ nhàng mà rõ rệt và nhà thơ đã mở rộng tầm nhìn, say sưa cảm nhận sự chuyển mình của đất trời sang thu .
3.Khổ 3: Cảm nhận về sự chuyển biến của đất trời khi thu sang bằng suy ngẫm
a.Hai câu đầu:
Từ say sưa cảm nhận bằng những giác quan tinh tế, những chuyển biết nhẹ nhàng trong không gian lúc thu sang, cái nhìn của thi nhân đến khổ cuối như lắng cùng sự chiêm nghiệm, suy tư. 
Đến khổ này vẫn còn đó dấu ấn, dư âm của nắng, của mưa mùa hạ nhưng đã có sự giảm dần về số lượng: “Vẫn còn bao nhiêu nắng/Đã vơi dần cơn mưa”. 
 Nắng vẫn còn vàng tươi nhưng nắng thu trong và dịu hơn cái nắng chói chang, gay gắt của mùa hạ.
Mưa cũng vẫn còn nhưng đã vơi nhiều so với những cơn mưa xối xả, mưa bong bóng kéo dài của mùa hè.
Ở đây, tác giả sử dụng biện pháp nghệ thuật đảo ngữ : phó từ chỉ mức độ “vẫn còn” , “đã vơi dần” được đặt lên đầu câu càng cho thấy hạ đã nhạt và thu đã đậm nét hơn.
b.Hai dòng cuối bài thơ là hình ảnh thiên nhiên lúc thu sang đầy sức gợi: “Sấm cũng bớt bất ngờ/Trên hàng cây đứng tuổi”.
Trước hết, đây là hình ảnh tả thực. Sang thu không những nắng dịu, mưa bớt, mà sấm cũng thưa và nhỏ dần, không đủ sức lay động những hàng cây đã trải qua bao cuộc chuyển mùa.
Hai câu thơ còn sử dụng nghệ thuật nhân hóa và ẩn dụ. “Bất ngờ”, “đứng tuổi” vốn là những từ ngữ chỉ trạng thái của con người nhưng ở đây chúng lại được tác giả nói cho sấm, cho cây. Vì thế, lời thơ gợi nhiều liên tưởng phong phú
Cũng giống như “hàng cây đứng tuổi”, khi con người từng va chạm, nếm trải nhiều trong cuộc sống thì sẽ vững vàng hơn, chín chắn hơn trước mọi tác động bất thường của ngoại cảnh. 
Con người lúc “sang thu” không còn bồng bột, sôi nổi, ào ạt như thời thanh xuân mà trưởng thành hơn, điềm đạm hơn và sâu sắc hơn.
Đặt trong hoàn cảnh ra đời bài thơ (1977) ta còn có thể hiểu: Sấm là những khó khăn thử thách mà dân tộc Việt Nam đã trải qua hai cuộc chiến tranh ác liệt chống Pháp và Mỹ. Hàng cây đứng tuổi là hình ảnh của đất nước, dân tộc ta vững vàng vượt qua thử thách, vững vàng vượt lên phiá trước. 
Trong khổ thơ cuối cùng này nếu để ý một chút, ta sẽ thấy đến đây, tâm thế thi sĩ rõ ràng là không còn ngỡ ngàng bất giác như khổ một, say sưa tri giác như khổ hai, mà lòng đã nặng hơn, đã ra chiều trầm ngâm với suy ngẫm rồi. 
Lớp từ mang sắc thái đong đếm ở đây mách với ta điều đó. Hệ thống các từ còn (-hết), vơi (-đầy), bớt (-thêm) bảo rằng thi sĩ đang suy xét, đúc kết, chiêm nghiệm. Chiêm nghiệm điều gì? Về một lẽ đời trong hai chiều biến đổi trái nhau. Ba câu trên : nắng “vẫn còn”, tức là đã giảm ; mưa “vơi dần” rõ là giảm ; sấm “bớt bất ngờ” càng giảm. Cả ba nghiêng về chiều giảm. Nhưng, khi câu ba nối vào câu kết, thì chiều giảm đột ngột thành chiều tăng, một chiều tăng kín đáo : Sấm cũng bớt bất ngờ /Trên hàng cây đứng tuổi. Ấy là sự từng trải tăng lên, là cây đã trưởng thành. Ở đây, sấm bớt gây bất ngờ (là sấm đã e cây), hay cây bớt bị bất ngờ (là cây thôi e sấm)? Có lẽ là cả hai, nhưng xem hình như cái vế sau mới là quan trọng.                              
Vì thế mà khổ thơ không chỉ tả cảnh sang thu mà đã chất chứa suy ngẫm của tác giả về đời người, về đất nước lúc sang thu.
Tóm lại, chỉ vẻn vẹn có ba khổ thơ với thể thơ năm chữ, nhà thơ đã dựng lại một bức tranh thu nồng đượm hơi ấm cuộc đời, hơi ấm của quê hương và cả những cảm xúc rất tinh tế, rất chân thật của nhà thơ trước sự thay đổi của đất trời của con người, của đất nước theo thời gian. Cùng với những bài thơ thu bất hủ của các nhà thơ lớp trước, Hữu Thỉnh đã tô điểm thêm cho vườn thơ một thoáng giao mùa tuyệt đẹp của thiên nhiên. Cả bài thơ cùng viết về thiên nhiên lúc giao mùa, nhưng mỗi khổ thơ vẫn nghiêng về một ý.
Về cảnh vật, khổ một nghiêng về những tín hiệu mách bảo sự hiện diện đây đó của mùa thu, từ góc nhìn vườn ngõ. Khổ hai lại nghiêng về những cảnh sắc trời mây sông nước đang chuyển mình sang thu, với tầm nhìn rộng xa vào bầu trời mặt đất. Trong khi đó, khổ ba lại nghiêng về những biến đổi bên trong các hiện tượng thiên nhiên và tạo vật . Như vậy, ba khổ thơ đã được liên kết thành một chỉnh thể khá tự nhiên : từ gần đến xa, từ thấp đến cao, từ hẹp đến rộng, từ ngoài vào trong, với các lớp cảnh càng ngày càng đi vào chiều sâu 
Đằng sau khúc giao mùa tuyệt diệu ấy chúng ta nhận ra tâm tư của thi sĩ. Sau một thoáng ngỡ ngàng ở khổ một ( Hình như thu đã về), là đến niềm say sưa ở khổ hai (Có đám mây mùa hạ/ Vắt nửa mình sang thu), và kết lại ở khổ ba với vẻ trầm ngâm( Sấm cũng bớt bất ngờ / trên hàng cây đứng tuổi)
Các lớp nghĩa của bài thơ:
Sang thu đa nghĩa, vì ít nhất, có sự chất chồng và giao thoa của ba lớp nghĩa : trời đất sang thu, đời sống sang thu và đời người sang thu. Lớp nghĩa thứ nhất dễ thấy. Vì nó ở bề nổi của văn bản thơ. Nó khiến bài thơ như một bức tranh thiên nhiên. Nhưng, nếu chỉ thế thôi, Sang thu cũng mới là thơ tả cảnh. Hữu Thỉnh chưa đem đến cái gì mới hơn so với các tiếng thơ thuộc thi đề thu của những người đi trước. Đồng thời, cũng chưa phổ được vào đó hơi thở của thời mình, tinh thần của thế hệ mình. 	
 Ai cũng có thể thấy những ẩn ý nào đó thấp thoáng sau lối viết ẩn dụ trong các hình ảnh thơ rải rác ngay từ  đầu sương chùng chình, sông dềnh dàng, chim vội vã v.v Nhưng nếu chỉ có thế thì ý nghĩa của chúng còn lờ mờ, chưa xa gì hơn một lối nói sinh động về sự vật, chưa đủ tạo hẳn ra một lớp nghĩa khác cho văn bản. Lớp nghĩa kia chỉ thực sự bật hầm khi hình ảnh cuối cùng đột hiện : Sấm cũng bớt bất ngờ / Trên hàng cây đứng tuổi. Chữ “đứng tuổi” bật sáng, phát động một lớp nghĩa khác cho bài thơ. Nó đâu chỉ nói cây, mà còn nói người. Nhân hoá cây là bề nổi, giấu người vào cây là bề sâu. Tự dưng, chúng ta thấy từ mạch hình ảnh thiên nhiên rải khắp bài thơ bỗng bừng dậy một lớp nghĩa khác gắn với con người và cuộc đời, với đất nước. Có lẽ đây mới mới thật là thứ hương ổi riêng mà Hữu Thỉnh phả vào trong bài thơ này.

File đính kèm:

  • docxgiao_an_day_them_mon_ngu_van_lop_9_van_ban_sang_thu.docx