Giáo án dạy thêm môn Ngữ văn Lớp 9 - Văn bản "Ánh trăng"

I/Tìm hiểu chung

1/ Tác giả:Nguyễn Duy là một trong những nhà thơ nổi tiếng của nền VHVN

- Ông thuộc thế hệ nhà thơ quân đội trưởng thành trước cuộc chiến chống Mỹ cứu nước.

- Sau chiến tranh, Nguyễn Duy vẫn say sưa và tiếp tục con đường thơ của mình. Thơ ông ngày càng đậm đà, ổn định một phong cách, một giọng điệu “quen thuộc mà không nhàm chán”.

- Thơ ông có giàu chất triết lý, thiên về chiều sâu nội tâm với những trăn trở, day dứt, suy tư.

2/ Tác phẩm

a/Hoàn cảnh sáng tác - Xuất xứ

- Hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ ra đời năm 1978 tại thành phố Hồ Chí Minh. (Ba năm sau khi kết thúc chiến tranh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước).

- Xuất xứ : Trích trong tập thơ « Ánh trăng »-tập thơ được tặng giải A của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1984.

b./ Thể thơ :Thể thơ 5 chữ

c/Phương thức biểu đạt: kết hợp hài hoà giữa biểu cảm (trữ tình) và tự sự.

d/ Mạch cảm xúc :

- Bài thơ là câu chuyện nhỏ được kể theo trình tự thời gian từ quá khứ đến hiện tại với các mốc sự kiện trong cuộc đời con người. Trong đó khổ 1+2 là vầng trăng trong quá khứ, khổ 3 : Vầng trăng trong hiện tại, khổ 4,5,6 là vầng trăng suy ngẫm.

- Dòng cảm xúc của nhà thơ cũng được bộc lộ theo mạch tự sự. Theo dòng tự sự ấy mạch cảm xúc đi từ quá khứ đến hiện tại và lắng kết trong cái “giật mình” cuối bài thơ.

e/Bố cục: Bài thơ chia làm 3 phần:

 

docx 7 trang linhnguyen 17/10/2022 2920
Bạn đang xem tài liệu "Giáo án dạy thêm môn Ngữ văn Lớp 9 - Văn bản "Ánh trăng"", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Giáo án dạy thêm môn Ngữ văn Lớp 9 - Văn bản "Ánh trăng"

Giáo án dạy thêm môn Ngữ văn Lớp 9 - Văn bản "Ánh trăng"
ÁNH TRĂNG 
-Nguyễn Duy-
I/Tìm hiểu chung
1/ Tác giả:Nguyễn Duy là một trong những nhà thơ nổi tiếng của nền VHVN
Ông thuộc thế hệ nhà thơ quân đội trưởng thành trước cuộc chiến chống Mỹ cứu nước.
Sau chiến tranh, Nguyễn Duy vẫn say sưa và tiếp tục con đường thơ của mình. Thơ ông ngày càng đậm đà, ổn định một phong cách, một giọng điệu “quen thuộc mà không nhàm chán”. 
Thơ ông có giàu chất triết lý, thiên về chiều sâu nội tâm với những trăn trở, day dứt, suy tư.
2/ Tác phẩm
a/Hoàn cảnh sáng tác - Xuất xứ  
Hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ ra đời năm 1978 tại thành phố Hồ Chí Minh. (Ba năm sau khi kết thúc chiến tranh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước).
Xuất xứ : Trích trong tập thơ « Ánh trăng »-tập thơ được tặng giải A của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1984.
b./ Thể thơ :Thể thơ 5 chữ 
c/Phương thức biểu đạt: kết hợp hài hoà giữa biểu cảm (trữ tình) và tự sự.
d/ Mạch cảm xúc :
Bài thơ là câu chuyện nhỏ được kể theo trình tự thời gian từ quá khứ đến hiện tại với các mốc sự kiện trong cuộc đời con người. Trong đó khổ 1+2 là vầng trăng trong quá khứ, khổ 3 : Vầng trăng trong hiện tại, khổ 4,5,6 là vầng trăng suy ngẫm.
Dòng cảm xúc của nhà thơ cũng được bộc lộ theo mạch tự sự. Theo dòng tự sự ấy mạch cảm xúc đi từ quá khứ đến hiện tại và lắng kết trong cái “giật mình” cuối bài thơ.
e/Bố cục: Bài thơ chia làm 3 phần:
II/Phân tích
1/Khổ 1+2: Vầng trăng trong quá khứ
a.Khổ 1
Hai câu thơ đầu “Hồi nhỏ sống với đồng/với sông rồi với bể” là hình ảnh vầng trăng thiên nhiên gắn bó với tuổi thơ. 
Ở đây, tác giả sử dụng nghệ thuật liệt kê (đồng, sông, bể), điệp từ “với” được nhắc đi nhắc lại gợi một tuổi thơ đầy ắp những kỉ niệm êm đềm, tuổi thơ được vui đùa, hòa mình, được gắn bó với thiên nhiên, được ngắm trăng trên đồng quê, trên dòng sông, trên bãi biển. Tuổi thơ của chúng ta mấy ai có được cái cơ may ấy như nhà thơ?
Khi đã trở thành người lính, trăng và người lại gắn bó bên nhau: 
“hồi chiến tranh ở rừng
vầng trăng thành tri kỉ”
“Tri kỉ” là hiểu người như hiểu mình. Trăng và người lính – nhà thơ trong những năm ở rừng thời chiến tranh đã từng là đôi bạn thân thiết, “tri kỉ”, gắn bó bền chặt bên nhau.
Khi đó, con người sống giản dị, chân thật cùng thiên nhiên. Trăng là trò chơi, là ánh sáng trong đêm tối của chiến tranh, là niềm vui bầu bạn của người lính.
Bốn câu thơ ngắn gọn với giọng kể thủ thỉ, tâm tình “hồi nhỏ”, “hồi chiến tranh” gợi lại quãng thời gian dài từ thời niên thiếu đến khi trưởng thành. Thời đó, dù cuộc sống còn vất vả gian lao nhưng con người sống gần gũi, hòa hợp với thiên nhiên. 
b.Khổ 2: Tiếp tục diễn tả sự gắn bó ấy, tác giả viết:
“Trần trụi với thiên nhiên
hồn nhiên như cây cỏ”. 
Cách nói “trần trụi với thiên nhiên” và so sánh “hồn nhiên như cây cỏ” gợi cho người đọc nghĩ tới sự gần gũi giữa tác giả với thiên nhiên, gần gũi với trăng.
Tâm hồn người chiến sĩ lúc ấy “hồn nhiên” vô tư đến độ “như cây cỏ” – không có gì tính toán, mưu toan, vụ lợi.  
Ánh trăng cũng hồn nhiên như trẻ thơ, chân thành như bạn hữu, trăng chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ với những người lính ở rừng núi, xoa dịu những đau thương mất mát của chiến tranh bằng thứ ánh sáng mát dịu. Cái “tình nghĩa” vẹn toàn ấy của trăng làm sao con người có thể quên được?
Cách nhân hóa “vầng trăng thành tri kỷ”, “vầng trăng tình nghĩa” thể hiện tình cảm nặng lòng ấy của tác giả đối với trăng.
Với sự gắn bó ấy, nhà thơ đã từng tâm niệm “không bao giờ quên”. Giọng thơ hồi tưởng đều đặn nhưng từ “ngỡ” như báo hiệu trước một điều gì sẽ xảy ra trái với dự đoán và suy nghĩ ban đầu, „ngỡ“ - mở ra những biến chuyển trong câu chuyện của nhà thơ.
Với giọng kể thủ thỉ, tâm tình nhịp thơ chậm, tác giả đã cho thấy vầng trăng quá khứ thật đẹp đẽ, ân tình, gắn với hạnh phúc, gian lao của con người, của đất nước.
2/Khổ 3: Vầng trăng trong hiện tại
Ở hai câu đầu, tác giả đã tạo ra sự đối lập về hoàn cảnh sống của con người trong hiện tại với quá khứ: „Từ hồi về thành phố/ quen ánh điện cửa gương“. 
Cụm từ “về thành phố” như đã nói với người đọc thời bom đạn và hi sinh ác liệt đã qua đi. Chiến tranh không hẹn ngày kết thúc đã kết thúc. Người lính từ cánh rừng trở về thành phố với cuộc sống hòa bình.
“Ánh điện cửa gương” là cách nói hoán dụ tượng trưng cho cuộc sống đầy đủ, tiện nghi khép kín trong những căn phòng hiện đại, xa rời thiên nhiên. 
Người lính xưa hòa hợp với thiên nhiên là thế mà giờ đây đã „quen“ với cuộc sống được bao bọc bởi gương kính và lấp lánh ánh đèn. 
Điều đó chứng tỏ hoàn cảnh sống đã khác xưa.
Từ đó, nhà thơ diễn tả sự đổi thay trong tình cảm của con người: „vầng trăng đi qua ngõ/ như người dưng qua đường“. 
 “Người dưng” là người không có quan hệ họ hàng, không thân thiết, quen biết gì với người được nói đến. Trăng ở đây được nhân hoá “đi” và so sánh “như người dưng qua đường” .
Những biện pháp nghệ thuật này cho thấy chẳng còn ai nhớ, ai hay vầng trăng xưa. Nó trở nên hoàn toàn xa lạ bởi con người đã đổi thay trong tình cảm.Vầng trăng vẫn “đi qua ngõ” nhưng con người hờ hững, thờ ơ, không còn nhận ra trăng đã từng là người bạn tri kỉ, tình nghĩa một thời.
 Phải chăng, ở nơi thành phố, con người quen với tiện nghi ánh điện cửa gương, nhịp sống hối hả, bó hẹp, không tiếp xúc với thiên nhiên, người ta chẳng mấy lúc cần và cũng ít khi chú ý đến vầng trăng? Vì thế, mỗi khi trăng đi qua, tác giả không còn nhận ra người bạn tình nghĩa năm xưa. 
Chao ôi, câu thơ dửng dưng - lạnh lùng - nhức nhối, xót xa miêu tả một điều gì bội bạc, nhẫn tâm vẫn thường xảy ra trong cuộc sống! Có lẽ nào sự biến đổi về kinh tế, về điều kiện sống tiện nghi lại kéo theo sự thay dạ đổi lòng?
Tóm lại, ở khổ này, vẫn giọng thơ thầm thì như trò chuyện tâm tình, nhịp thơ chậm, chữ đầu của các câu thơ sau trong khổ không viết hoa, tác giả đã đã diễn tả dòng suy nghĩ miên man của mình về sự đổi thay đến tàn nhẫn của con người với quá khứ.
3/Khổ 4+5+6: Vầng trăng suy ngẫm
a/Khổ 4: Một tình huống bất ngờ xảy ra làm chuyển mạch cảm nghĩ của tác giả
Lãng quên vô tình có thể là mãi mãi nếu không có một bất ngờ. Hoàn cảnh bài thơ được đẩy đến bước ngoặt mới khi “thình lình đèn điện tắt - phòng buyn-đinh tối om”. 
Bốn câu thơ với ba từ "thình lình“, „vội“, „ đột ngột” được đảo trật tự, tạo nên nhịp thơ nhanh, nhấn mạnh sự việc bất thường: “đèn điện tắt, phòng tối om” > < "Vầng trăng tròn" toả sáng. 
Tình huống bất ngờ ấy đã tạo nên sự đối lập giữa ánh sáng và bóng tối. Nơi thành phố hiện đại với ánh điện, cửa gương khiến người ta chẳng mấy khi cần và ít chú ý đến ánh trăng, chỉ đến khi tắt điện thì mới lại có dịp đối diện với "vầng trăng tròn". 
Và trong khoảnh khắc bất ngờ từ bóng tối bước ra ánh sáng, người ta không khỏi ngỡ ngàng, bàng hoàng khi nhận ra vầng trăng vẫn tròn như xưa, đẹp đẽ, đầy đặn, vẹn nguyên không mảy may sứt mẻ. 
Ở đây, việc "bật tung cửa sổ" chỉ là một việc làm theo thói quen và trăng thiên nhiên không phải chỉ khi đèn tắt mưới  "đột ngột" xuất hiện. Nhưng khi người và trăng mặt nhìn mặt thì tình xưa nghĩa cũ dâng trào lên trọn vẹn, đủ đầy . Đây là một sự tình cờ mà như được sắp đặt. Nó đã thức tỉnh những cảm xúc và đánh thức lương tâm con người.
Đây là khổ thơ quan trọng trong cấu tứ toàn bài. Chính cái khoảnh khắc bất ngờ ấy đã tạo nên bước ngoặt trong mạch cảm xúc của bài thơ.
b.Khổ 5: Sự xúc động mãnh liệt của nhà thơ khi đối diện với trăng
Nhà thơ lặng lẽ đối diện với trăng trong tư thế lặng im có phần thành kính: “Ngửa mặt lên nhìn mặt”. 
“Mặt” thứ nhất là chỉ mặt của tác giả, “mặt” thứ 2, cuối câu thơ là từ nhiều nghĩa, tạo nên sự đa dạng nghĩa của ý thơ. Nó vừa là mặt trăng vừa là mặt, là lương tâm tác giả.
Nhà thơ đối diện với mặt trăng, người bạn tri kỷ mình đã lãng quên, vầng trăng đối diện với con người hay nói cách là quá khứ đối diện với hiện tại; thuỷ chung tình nghĩa đối diện với bạc bẽo, vô tình và lãng quên để tự thú về sự bội bạc của mình.
Lúc này, tác giả như nhìn thấy cả mặt mình trong đó và tự vấn lương tâm, hổ thẹn, ân hận về sự thay đổi của mình.
Cuộc đối thoại không lời trong khoảnh khắc ấy đã làm nhà thơ “rưng rưng” xúc động.
Vì quá khứ vất vả gian lao nhưng tràn ngập niềm vui cùng với trăng, với thiên nhiên bấy lâu tưởng đã lãng quên bỗng ùa về giễu cợt, nhạo báng người trong cuộc: “như là đồng là bể/như là sông là rừng”
Điệp ngữ « như là », liệt kê cùng với nhịp thơ gấp bộc lộ rất rõ cảm xúc đang trào dâng mạnh mẽ, con người như đang quay về với những kỷ niệm Vầng trăng đã đánh thức dậy tất cả, từ những năm tháng hoa niên cho đến khi cầm súng hành quân đuổi giặc dưới những cánh rừng. 
Hóa ra những ký ức đẹp đẽ ấy đã không mất đi và con người không phải hoàn toàn vô tâm đến thế. Ký ức ấy chỉ tạm lắng xuống, con người trong lúc bận rộn có thể lãng quên đi nhưng chỉ cần một tác động nhỏ nào đó, chúng sẽ sống dậy vẹn nguyên, thậm chí còn đằm sâu hơn, tạo nên vẻ đẹp không gì sánh nổi của tâm hồn con người.
Đến đây, người đọc cảm giác như cuộc sống hiện tại như ngừng lại để con người soi vào quá khứ, vào một thời họ đã lãng quên - soi vào chính mình.
5/Khổ 6:Những suy ngẫm sâu sắc và triết lý của nhà thơ qua hình tượng trăng.
“Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình.”
Trăng ở khổ thơ cuối cùng này không chỉ hiện thân cho vẻ đẹp thiên nhiên mà còn là biểu tượng cho sự bất biến, vĩnh hằng không thay đổi:“Trăng cứ tròn vành vạnh” . Biện pháp nghệ thuật nhân hóa « cứ » và từ láy « vành vạnh » làm phụ ngữ cho tính từ « tròn » đã cho thấy vầng trăng kia luôn tròn đầy, thuỷ chung, trọn vẹn dù cho con người có đổi thay “kể chi người vô tình”.
Đến đây, đối tượng không phải là vầng trăng nữa mà là « ánh trăng » : « ánh trăng im phăng phắc ». Với biện pháp nghệ thuật nhân hoá “im » và từ láy «  phăng phắc” tác giả đã đem đến cho người đọc nhiều suy ngẫm mới lạ. 
Phải chăng, đây là biểu tượng của quá khứ hiện về soi rọi lương tâm con người? Và cái ánh sáng ấy chỉ im lặng chứ có nói gì đâu thế nhưng nó lại gợi người đọc liên tưởng đến cái nhìn nghiêm khắc mà bao dung, độ lượng của người bạn thuỷ chung, tình nghĩa. 
Nó như nhắc nhở nhà thơ và mỗi chúng ta: con người có thể vô tình lãng quên nhưng thiên nhiên, quá khứ thì luôn tròn đầy, bất diệt.
Sự im lặng ấy làm nhà thơ “giật mình” thức tỉnh: “đủ cho ta giật mình”
Nhà thơ viết « đủ » nghĩa là chỉ thế thôi không cần hơn, « cho ta » là cho tất cả chúng ta- những người phải chăng vì cuộc sống mưu sinh mà lỡ vô tình quên đi người bạn ân nghĩa thủy chung ngày nào?
 Đây là cái “giật mình” của lương tâm nhà thơ thật đáng trân trọng. Tác giả giật mình vì chợt nhận ra sự vô tình, bạc bẽo, sự nông nổi trong cách sống của mình. Cái giật mình của sự ăn năn, tự trách, tự thấy phải thay đổi cách sống. Cái giật mình tự nhắc nhở bản thân không bao giờ được làm người phản bội quá khứ, phản bội, coi rẻ thiên nhiên. Thật khó diễn tả cho hết tâm trạng của con người lúc ấy, biết bao ý nghĩa hàm ẩn trong hai chữ « giật mình »
Đây cũng chính là sự suy nghĩ, trăn trở tự đấu tranh với chính mình để sống tốt đẹp hơn. 
Dòng thơ cuối bài thơ dồn nén biết bao niềm tâm sự, Nó là sự sám hối, ăn năn dù không cất lên lời nhưng chính vì thế càng trở nên ám ảnh, day dứt. Cả bài thơ là vô nhân xưng, đến đây tác giả mới xưng « ta » để nhận lỗi, để tạ tội. Một cái giật mình tái mặt khi nhận ra chân tướng của chính mình dù muộn màng nhưng còn hơn không.Ý kết của bài thơ đã nâng những suy nghĩ của tác giả lên tầm khái quát : Ai cũng có những lúc vô tình quên đi những gì tốt đẹp của ngày xưa. Nếu như không có sự thức tỉnh, những lúc « giật mình » nhìn lại lương tâm thì biết đâu chúng ta sẽ đánh mất chính mình ?
Bằng giọng thơ thiết tha, trầm lắng trong suy tư, Nguyễn Duy muốn gửi đến mọi người lời nhắc nhở thấm thía về lẽ sống, về đạo lý « uống nước nhớ nguồn », ân nghĩa thuỷ chung 
Thì ra những bài học sâu sắc về đạo lí làm người đâu cứ phải tìm trong sách vở hay từ những khái niệm trừu tượng xa xôi. Ánh trăng thật sự đã như một tấm gương soi để thấy được gương mặt thực của mình, để tìm lại cái đẹp tinh khôi mà chúng ta tưởng đã ngủ ngon trong quên lãng.
III/ TỔNG KẾT
1/Nội dung
Bài thơ là lời tự nhắc nhở thấm thía về thái độ, tình cảm đối với những năm tháng quá khứ gian khổ mà tình nghĩa đối với thiên nhiên, đất nước bình dị. 
Từ đó, gợi nhắc người đọc thái độ sống “uống nước nhớ nguồn”, ân nghĩa thuỷ chung cùng quá khứ.
2/ Nghệ thuật 
“Ánh trăng” không chỉ thành công ở triết lí sâu xa của nhân vật trữ tình mà còn thành công ở nghệ thuật kết cấu, ở giọng điệu, ở cách sử dụng các biện pháp tu từ.
Sự kết hợp hài hoà, tự nhiên giữa tự sự và trữ tình. Sự việc trong tự sự dẫn mạch cho cảm xúc trữ tình, làm cho cảm xúc chân thành, thiết tha.
Thể thơ 5 chữ phù hợp với chất tự sự được thể hiện bằng giọng điệu tâm tình, thấm thía. 
Cách trình bày các chữ đầu dòng thơ không viết hoa làm cho sự việc diễn ra liền mạch về ý tưởng cũng như về hình ảnh thơ.
Nhịp thơ khi trôi chảy, tự nhiên, nhịp nhàng theo lời kể: khi thì ngân nga thiết tha cảm xúc, lúc lại trầm lắng đầy ắp suy tư.
Sử dụng nhiều biện pháp tu từ ->tăng tính biểu cảm, hình ảnh có tính chất biểu tượng: trăng 
Tất cả làm nổi bật chủ đề tác phẩm tạo nên tính chân thực, chân thành, sức truyền cảm sâu sắc cho tác phẩm, gây ấn tượng với người đọc.
TÓM LẠI
Bài thơ như một câu chuyện nhỏ nhưng có sức khái quát lớn. Nó không chỉ là chuyện riêng của nhà thơ, riêng của một người mà là cả một thế hệ đã trải qua những năm tháng chiến tranh gian khổ, mất mát, đã từng sống giữa thiên nhiên, sống giữa nhân dân tình nghĩa. Giờ đây sống trong cảnh hoà bình với những tiện nghi đầy đủ, hiện đại, người ta có thể thay đổi, đánh mất quá khứ, đánh mất nghĩa tình để rồi một lúc nào đó lại phải ân hận, ăn năn. 
Câu chuyện nhắc nhở chúng ta đừng bao giờ quên quá khứ, đừng bao giờ trở thành những kẻ bạc bẽo, vô tình, vô nghĩa, vô ơn. “Ánh trăng” nằm trong mạch cảm xúc “Uống nước nhớ nguồn” gợi lên đạo lí sống thuỷ chung đã trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Ý kết của bài thơ đã nâng những suy nghĩ của tác giả lên tầm khái quát : Ai cũng có những lúc vô tình quên đi những gì tốt đẹp của ngày xưa. Nếu như không có sự thức tỉnh, những lúc « giật mình » nhìn lại lương tâm thì biết đâu chúng ta sẽ đánh mất chính mình ?
Đọc bài thơ “Ánh trăng” làm người ta lại nhớ đến bài “Tĩnh dạ tư” Lý Bạch ở lớp 7. Bài thơ có hai câu rất nổi tiếng
Cử đầu vọng minh nguyệt
Đê đầu nhớ cố hương
Giữa miền đất xa lạ dầu vẫn nằm trên đất Trung Hoa, Lý Bạch nhìn vầng trăng mà nhớ quê hương mình, như níu lấy chút gì thân quen để sưởi ấm tâm hồn lữ khách. Với Nguyễn Duy, vầng trăng ngời tỏ trên bầu trời kia còn gợi lại cả một thời trong quá khư và đặc biệt làm cho tâm hồn thi nhân bừng tỉnh và trở về với chính mình. Có bao giờ ta tự hỏi tại sao cũng chỉ là vầng trăng ấy thôi, con người lại có thể nhìn thấy nhiều điều khác nhau đến thế ? Lúc ấy, hãy nhớ lại câu nói của Marcel Proust « Thế giới được tạo lập không phải một lần mà mỗi lần người nghệ sĩ độc đáo xuất hiện thì lại một lần thế giới được tạo lập ». Phải chăng, “Ánh trăng của Nguyễn Duy chính là một bài thơ như thế!

File đính kèm:

  • docxgiao_an_day_them_mon_ngu_van_lop_9_van_ban_anh_trang.docx